Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vua” cá cảnh Ba Phép

Hồ Văn| 13/03/2010 07:36

(HNM) - "Ngày xưa tôi rất khổ sở để đi học mót nghề, chứ không ai dạy cho đâu. Nhưng tôi vẫn thành công. Giờ đây bà con muốn gì tôi sẵn sàng chỉ tất cả, từ kỹ thuật, cách bán lẻ đến tìm đầu ra. Sau này hễ gặp trở ngại điều gì thì cứ gọi một tiếng là tôi chỉ cách "tháo gỡ" cho. Đến mức đó mà bà con nào không thành công với nghề thì tự trách mình" -

Đó là những tâm sự mộc mạc, chân tình của "vua" cá cảnh Ba Phép (phường Long Bình, quận 9) với những người nông dân đến nhờ ông " thọ giáo" nghề nuôi cá cảnh.

Tỷ phú…

Nằm tận cuối con đường Nguyễn Xiển, rồi đi sâu vào bên trong mấy cái lò gạch cũ là trang trại nuôi cá cảnh rộng gần 1,5ha của Ba Phép (tên thường gọi của ông Bùi Văn Phép). Dẫn chúng tôi đi tham quan những bể cá cảnh, kẹp lon thức ăn vào nách cánh tay phải, tay còn lại ông ném thức ăn cho cá, vậy mà thao tác vẫn thoăn thoắt. Ông kể: Sau giải phóng, mới 35 tuổi, tôi đã có 8 mặt con, thường xuyên bị liệt vào diện cứu đói của địa phương. Nhưng Long Bình vốn là vùng trũng, không thích hợp với cây lúa, do vậy dù có nai lưng ra làm, cả nhà tôi vẫn chạy ăn từng bữa. Rồi Ba Phép nhớ lại cái ngày ông đi học nghề nuôi cá cảnh mà người dạy không hề biết là đang "bị dạy nghề". Ông cho biết: Đó là vào những năm cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy ở Long Bình này chỉ có duy nhất Ba Sanh - một kỹ sư nông nghiệp, được xem là người am tường kiến thức nuôi cá cảnh và có một trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, ngày ấy những nghệ nhân nuôi cá cảnh rất kín tiếng, không bao giờ bật mí nghề, còn ông thì cũng chẳng có thân quen gì với Ba Sanh nên không có điều kiện tiếp xúc. Vì thế, ông tìm cách kết bạn với em trai Ba Sanh. Và nhờ đó, ông có cớ qua nhà Ba Sanh để hỏi thăm, rồi vờ khen mấy con cá cảnh. Từ đó, ông có cơ hội chuyện trò, ngắm nhìn những bể, lồng cá cảnh của Ba Sanh để rồi nắm bắt kỹ thuật nuôi.

Ông Bùi Văn Phép chăm sóc ca cảnh.

Thời gian đầu, Ba Phép lặn lội đến từng lò gạch xin những viên gạch ống bị mẻ góc để xây hồ nuôi cá cảnh. Khi ấy ông chỉ nuôi 2 loại cá cảnh là Hòa Lan và Bảy Màu chủ yếu bán cho học sinh, nhưng rất hút hàng. Tuy nhiên phải đến những năm 1990 cá cảnh bắt đầu xuất ngoại, ông mạnh dạn mở rộng diện tích và nuôi đến gần 20 loại cá cảnh, tập trung chủ yếu là cá kiếm, Hòa Lan, cá chép Nhật với gần 10 triệu con. Như vậy, giờ đây mỗi ngày ông xuất bán ra thị trường từ 5 đến 7 nghìn con cá cảnh với giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/con, nguồn thu nhập mỗi ngày của ông đã lên đến trên 10 triệu đồng.

... chỉ ngủ ngoài trời

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc ông Ba Phép lẽo đẽo trên chiếc xe đạp cà tàng từ nhà cô con gái về. "Mình đã 70 tuổi rồi, cái cần nhất là sức khỏe, đi xe đạp cũng là để tập thể dục. Không chỉ có vậy, cả mấy chục năm nay tôi không hề ngủ trong nhà, nhất là trong căn phòng ấm cúng và tiện nghi" - ông cho biết. Nói xong, ông đưa tay chỉ về phía trước rồi nói: Đó là chỗ ngủ của tôi đấy! Nơi được xem là "tổ ấm" của "vua" cá cảnh này chỉ là một chiếc giường gỗ sờn cũ kỹ nằm lạnh lẽo bên những lồng cá cảnh ven sông, phía trên được che bằng những tấm nilông xập xệ để tránh mưa, tránh nắng. Lý giải về điều này ông cho biết, ngủ ở ngoài trời, gần với sông nước, thiên nhiên sẽ giúp con người hấp thụ được lượng khí ôxi tốt hơn để có sức khỏe hơn. Cũng nhờ đó mà ở vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" này nhìn tôi vẫn còn rắn rỏi, khỏe mạnh và hầu như chẳng có bệnh tật gì. Tôi đã từng đọc cuốn sách: "10 phép trường sinh giảm lão" thì việc ngủ này cũng là 1 trong 10 điều ấy.

Giờ đây, điều mong muốn nhất của Ba Phép là có thêm nhiều người được ông truyền nghề thành công như chính mình. Theo ông, muốn nuôi cá cảnh thành công thì phải yêu nghề, bởi nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng. Đó cũng là yêu cầu mà ông đặt ra đối với nông dân trước khi được truyền nghề. Còn ông Đỗ Thành Núi - Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Bình thì cứ tấm tắc khen: Nếu gọi Ba Phép là trùm nuôi cá cảnh cũng không quá lời; còn nếu nói ông là thầy phù thủy cá thì cũng không ngoa. Chính do những thành tích đó mà ông là nông dân duy nhất của phường được TP trao tặng danh hiệu: "Nông dân sản xuất giỏi", điển hình duy nhất của TP được Bộ Thủy sản tặng Bằng khen "Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2000-2005"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vua” cá cảnh Ba Phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.