(HNMO) - Tới nay, thực tế những gì chúng ta tưởng tượng được về vũ trụ bao la dường như vẫn hết sức nhỏ bé - khi hàng loạt các phát hiện mới vừa được công bố.
Theo các nhà thiên văn học, số lượng thiên hà thực tế có thể khoảng từ 1.000 tỷ tới 2.000 tỷ - lớn gấp 10 lần những nhận định của con người từ trước tới nay. Mặc dù vào lúc này chúng ta chưa có những công nghệ cần thiết để phát hiện tất cả số thiên hà này nhưng mốc số lượng mới được đưa ra sau khi các nhà khoa học lấy những hình ảnh thu về từ kính thiên văn Hubble để chuyển hoá thành dạng ba chiều nhằm nghiên cứu một số thiết hà ở một điểm nhất định trong lịch sử tồn tại của vũ trụ, tiếp đó áp dụng các mô hình toán học để suy ra khả năng tồn tại của những thiên hà ngoài tầm quan sát.
Vậy tại sao con người chưa thể nhìn thấy những thiên hà bí ẩn ấy? Nguyên nhân chính ngoài sự giới hạn về mặt công nghệ hiện nay còn nằm ở sự tiến hoá tự nhiên của vũ trụ. Con người hiện nay chỉ có thể quan sát, đếm được hiệu ứng ánh sáng sau khi vật thể chuyển động đi khỏi một vị trí gốc (redshifting) và các nhiễu loạn như khí vũ trụ - chưa tính tới sự thay đổi liên tục mang tính tự nhiên của vũ trụ bao la. Tuy nhiên, những số liệu thu được tới nay cũng giúp con người giải được phần nào bài toán khó. Số lượng thiên hà giảm dần cũng củng cố thêm cho lý thuyết rằng sự hợp nhất của các thiên hà đang thay đổi vũ trụ từng ngày. Những vụ va chạm cũng khiến "dân số" thiên hà ngày càng thu gọn lại.
Kính thiên văn Hubble trong quỹ đạo. |
Tuy nhiên, để có được những con số chính xác từ giả thuyết trên vẫn là khó khăn lớn - điều mà các nhà khoa học sẽ còn cần nhiều thời gian để giải đáp. Trong đó, công nghệ kính thiên văn sẽ đóng vai trò trọng yếu. Thực tế, lâu nay những giới hạn tự nhiên trong tính chất của ánh sáng cũng chính là rào cản đối với khả năng quan sát của con người. Nói cách khác, trong vũ trụ bao la, nơi ánh sáng chưa thể vươn tới, vẫn ẩn chứa vô vàn bí ẩn đợi chờ được khám phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.