Người họa sĩ phải có “tâm” với dòng tranh này mới mong có tác phẩm đẹp, nhiều sức biểu cảm, mang ý nghĩa nội dung chuẩn xác.
Giới mỹ thuật TPHCM vừa có thêm một vụ ồn ào lại liên quan đến tranh. Tranh cổ động đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 40 năm Thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (trao giải ngày 13.7 tại TPHCM) bị phát hiện là tranh đã dùng từ năm 2011. Phải chăng tranh cổ động nghèo ý tưởng và không “đắt” hàng?
Trong sách "Mỹ thuật Bình Thuận 2011-2015" ghi rõ “Tranh cổ động (80x100), Giải khuyến khích cuộc thi tranh cổ động do Cục Văn hóa tổ chức 2011. |
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt, dòng tranh cổ động chính là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho ý chí xã hội ở khắp mọi miền đất nước. Sức sống của dòng tranh cổ động lại càng lan tỏa và mãnh liệt hơn, góp phần bồi dưỡng một thế hệ họa sĩ tài năng, luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, lao động sản xuất và phát huy cao nhất sức tác động của các tác phẩm nghệ thuật đối với quần chúng nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới, dòng tranh cổ động vẫn nỗ lực duy trì sự ảnh hưởng của mình bất chấp những khó khăn về kinh tế hay sự thay đổi trong nhận thức người dân. Ở mặt nào đó, tranh cổ động ngoài chức năng tuyên truyền giáo dục công dân, còn góp vào đời sống văn hóa như một tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Tranh cổ động bị sao chép, cắt ghép do thiếu ý tưởng?
Bức tranh đoạt giải nhất “Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 40 năm Thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh” là bức “Thành phố Hồ Chí Minh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Nguyễn Thanh Bình (Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận).
Năm 2011, bức tranh cổ động với nội dung gần như thế, cũng của tác giả Nguyễn Thanh Bình, đã được giải Khuyến khích ở Bình Thuận trong cuộc thi tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 11.
Theo nhận xét chung về tranh vừa được giải: Bố cục, ý tưởng bình thường, kỹ năng diễn hình kém và phong cách đồ họa không thống nhất. Nhất là cảm xúc từ tranh không có. Thần thái của các nhân vật rất buồn cười. Nhân bản hoặc phóng to tranh này mà tuyên truyền trực quan ở các đường phố lớn đem lại nỗi xấu hổ chứ không là niềm tự hào được.
Ngược lại năm 2014, giới vẽ tranh cổ động còn nhớ vụ cắt ghép tranh treo kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, một bức tranh cổ động ghép hình cô gái thô thiển, tay như khuyết tật cứng như khúc gỗ… Chưa kể rất nhiều bức tranh cổ động khác, đặc biệt là ở các tình thành xa, đều chỉ như các bức vẽ sơ sài thô kệch, cứng quèo phản cảm nhiều hơn thẩm mỹ.
Trong đợt tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa 14 vừa qua cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền được phát động trong cả nước, chỉ có 780 tác phẩm của 288 họa sĩ chuyên và không chuyên gửi đến Ban tổ chức cuộc thi, cuối cùng chọn 71 tranh để triền lãm, và bộ tranh này nhìn cứ na ná nhau từ màu sắc đến hình ảnh. Một sự thờ ơ và thiếu hụt rất buồn!
Hiện nay việc vẽ tranh cổ động có chiều hướng đưa nhiều nội dung vào một bức tranh. Điều này dẫn đến sự đồng điệu của bố cục, làm hạn chế tính sáng tạo của họa sĩ. Trong khi đó nội dung của tranh cổ động lại hầu như lặp đi lặp lại gây nhàm chán cho người xem.
Ví dụ trong chiến tranh họa sĩ phải vẽ người cầm súng, thời bình tuyên truyền cho ngày hội, ngày lễ, bầu cử, đại hội… phải có nhà máy, cánh đồng, quyển sách và Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quân kỳ… Sự đồng điệu này đang là bài toán khó trong việc sáng tác tranh cổ động. Mặt khác, có nhiều họa sĩ vẽ tranh cổ động giống như tranh minh họa sách (vẽ như thật), ngược lại có tác giả vẽ tranh cổ động mà người xem chẳng hiểu gì nếu như không có dòng chữ minh họa cho tranh.
Lĩnh vực tranh cổ động nhiều năm trở lại đây của TPHCM nói riêng và cả nước nước nói chung, lâu nay vẫn được ví von là “cổ mà không động”.
Tranh cổ động cần tài và tâm
Theo họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, được giới nghề coi là "ông vua" vẽ tranh cổ động, áp phích ở Việt Nam: "Đó là loại tranh giản dị nhưng khó làm, vì loại tranh này đòi hỏi sự đơn giản, súc tích, có trí tuệ, có tư tưởng. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động ở ta có nhiều hạn chế: Đào tạo thiếu căn bản, thường "vẽ tay trái" hoặc "biến tay trái thành tay phải".
Cũng như các loại tranh hội họa khác, tranh cổ động nhất thiết phải đảm bảo các yếu tố cơ bản để có bức tranh đẹp là hình họa, màu sắc và bố cục. Họa sĩ dù có học lâu năm nhưng năng khiếu có hạn, dựng hình khó khăn, nhất là trong việc dựng hành động của con người, thì tranh sẽ khó thuyết phục người xem.
Muốn tranh đẹp, hoạ sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét hợp lí rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi nghiên cứu một cách khoa học. Vẽ người trong tranh cổ động, nhất là khi biểu hiện tình cảm vui, buồn, tức giận… hết sức quan trọng vì đó là linh hồn của tác phẩm.
Vì vậy, hoạ sĩ vẽ tranh cổ động phải có khả năng khái quát nội dung; Sử dụng màu sắc trong sáng, khoẻ khoắn; Dùng chữ chắt lọc, sao cho ngắn gọn, khúc chiết, gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo sức thuyết phục cho người xem.
Ngay cả với họa sĩ “già” tuổi đời tuổi nghề không phải ai cũng “mặn” với thể loại tranh cổ động, không nhiều hoạ sĩ theo đuổi dòng tranh này, nhất là tranh cổ động chính trị, đặc biệt các họa sĩ trẻ rất ít người theo dòng tranh này, kể cả là “tay trái”.
Lâu nay ngành đồ họa của Việt Nam khá phát triển, rất nhiều phong cách, trường phái không chỉ của Việt Nam mà còn du nhập của nước ngoài, tạo nên một không khí đồ họa khá mới mẻ, phong phú, nhất là trong giới thiết kế và họa sĩ trẻ.
Nhưng nhìn lại các cuộc thi, thấy vắng bóng rất nhiều người trẻ. Tại sao những nhà thiết kế, họa sĩ đồ họa trẻ hiện nay ở Việt Nam không thiết tha với những cuộc thi tranh cổ động là câu hỏi cần được lưu ý đối với các nhà quy hoạch đề ra các chiến lược phát triển nghệ thuật nói chung.
Tranh cổ động chính trị thường bị coi là “khô cứng”, có những môtíp không thể thay thế: búa liềm, bông lúa, lá cờ… do đó phần nào gây hạn chế sáng tạo cho họa sĩ. Mặt khác, dòng tranh này nếu không vẽ khéo rất khó có cảm xúc.
Và trên hết là người họa sĩ phải có “tâm” với dòng tranh này mới mong có tác phẩm đẹp, nhiều sức biểu cảm, mang ý nghĩa nội dung chuẩn xác.
Tranh cổ động cho dù ở thời công nghệ vẫn luôn có một vị trí hữu ích trong cộng đồng. Vì thế việc cần có những cuộc thi, những triền lãm cũng như khuyến khích các họa sĩ chuyên tâm chút ít đến thể loại này, để hy vọng có những bức tranh cổ động đẹp, như một tác phẩm nghê thuật chất lượng cao, để không lặp lại việc sao chép, cắt ghép một cách “vụng về”./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.