Văn hóa

Họa sĩ Nguyễn Công Quang: Từ tình yêu Hà Nội đến thiết kế logo kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Hoàng Lân 11/08/2024 11:15

Tác phẩm thiết kế logo của họa sĩ Nguyễn Công Quang đã giành giải Nhất trong Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và vừa được trao giải ngày 10-8.

Tác phẩm này của ông cũng đã được Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội nhất trí chọn làm biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Nhân dịp này, họa sĩ Nguyễn Công Quang đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới ý tưởng thiết kế của mình cùng tình yêu Hà Nội.

Tác giả Nguyễn Công Quang với tác phẩm được sử dụng làm biểu trưng cho đợt tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân
Tác giả Nguyễn Công Quang với tác phẩm được sử dụng làm biểu trưng cho đợt tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân

- Tác phẩm thiết kế logo của ông đã được chọn làm biểu trưng, được sử dụng xuyên suốt hoạt động tuyên truyền của đợt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, ông có thể chia sẻ ý tưởng thiết kế của mình?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuy không chứng kiến thời kỳ lịch sử giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954, nhưng tôi đã chứng kiến cuộc ném bom phá hoại của Mỹ vào Hà Nội năm 1972. Hình ảnh người Hà Nội chiến đấu anh dũng, ngoan cường trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc còn in đậm trong tâm trí tôi. Tôi cũng được nghe bố mình kể về thời điểm Đoàn quân tiến về Thủ đô vào sáng 10-10-1954 trong niềm hân hoan vỡ òa của người dân Hà Nội.

Sau này, tôi rất thích bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Rất nhiều chi tiết trong bài hát đã gợi nhắc cho tôi thực hiện ý tưởng thiết kế logo lần này. Chẳng hạn như hình ảnh ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Hay hình ảnh cột cờ Hà Nội được thiết kế trong logo nhằm gợi nhắc về chiều 10-10-1954, Hà Nội tổ chức Lễ chào cờ đầu tiên sau ngày giải phóng tại sân Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long), dưới chân Cột cờ Hà Nội. Màu sắc của logo cũng được chuyển từ màu da cam (ý tưởng ban đầu) sang màu đỏ tươi để thể hiện niềm hân hoan, hạnh phúc, tươi vui của người dân Hà Nội trong ngày giải phóng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Công Quang về tác phẩm logo 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Công Quang về tác phẩm logo 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân

- Khi thực hiện thiết kế logo này, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

- Khi biết thông tin về cuộc thi, tôi đã bắt tay vào việc lên ý tưởng. Nếu chỉ vẽ tranh thì sẽ nhanh hơn, nhưng sáng tác logo cần thời gian để sắp xếp, bố cục lại thành khối cho hợp lý. Việc đưa hình ảnh Cột cờ Hà Nội vào logo khiến tôi phải dành thời gian để phác thảo lại góc độ nào của cột cờ đẹp nhất, độ cao bao nhiêu để bảo đảm phù hợp với bố cục... Ngay cả số 7 và số 0 cũng phải được cân đối khi lồng ghép vào nhau để tạo tính thẩm mỹ mà vẫn thể hiện được tinh thần của đợt kỷ niệm mà cả nước đang hướng về Hà Nội.

Tôi luôn tâm niệm, logo cho ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô phải thể hiện được tinh thần riêng, vừa mạnh mẽ, kiên cường, lại vừa có sự lãng mạn, đồng thời, mang thông điệp về khát vọng của một Thủ đô phát triển trong tương lai.

- Từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động, thiết kế logo cho các sự kiện trọng đại của Thủ đô, lần này, ông có cảm xúc gì khác biệt?

- Tôi đã tham gia nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo của thành phố Hà Nội như: Kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội, kỷ niệm 50 năm, 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và lần này là 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Là một họa sĩ sống, gắn bó với Thủ đô cả cuộc đời, với tôi, thời điểm nào của Hà Nội cũng có ý nghĩa riêng và mang đến cảm xúc cho những người sáng tác, trong đó có giới họa sĩ.

Hà Nội giờ đây đã mang một tầm vóc mới với sự phát triển hơn, hiện đại và văn minh ở nhiều lĩnh vực, đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác để các tác phẩm được thể hiện khác so với những giai đoạn trước.

Mẫu biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Logo biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ được sử dụng xuyên suốt đợt tuyên truyền kỷ niệm.

- Là người có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ông cảm nhận về cuộc thi năm nay thế nào?

- Cuộc thi sáng tác tranh cổ động đang ngày càng thu hút sự tham gia của các họa sĩ và sinh viên nhiều trường nghệ thuật. Mỗi năm, số lượng các tác giả lại tăng lên, riêng năm nay là 700 tác phẩm, cho thấy sự quan tâm, hào hứng của giới họa sĩ, sáng tạo trong lĩnh vực này. Sự tham gia của những người trẻ đã mang đến cuộc thi một không khí tươi mới. Các tác phẩm cho thấy sự chuyển động của cuộc sống, mang cái nhìn tươi trẻ và nhiều màu sắc.

Chúng ta có thể thấy nhiều hình ảnh tượng trưng cho hòa bình, khát vọng, niềm hân hoan như hình ảnh chim bồ câu, cờ hòa bình, các hình ảnh và biểu tượng của Hà Nội... nhưng được thể hiện với một bố cục trẻ trung, hiện đại. Tôi đánh giá rất cao chất lượng của cuộc thi năm nay.

- Trong không khí cả nước hướng về Hà Nội dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, là một người Hà Nội, ông có điều gì muốn gửi gắm?

- Tôi đã chứng kiến nhiều bước chuyển của Hà Nội từ trong chiến đấu, xây dựng đến phát triển. Hà Nội đang phát triển và có nhiều thành tựu trong mọi mặt của đời sống và tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Hà Nội sẽ tạo dựng được một Thủ đô phát triển, thân thiện, xanh - sạch - đẹp, xứng tầm với các nước trên thế giới.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh:

Logo biểu trưng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô sẽ được Hà Nội và các tỉnh, thành phố sử dụng trong tất cả hoạt động tuyên truyền của đợt kỷ niệm này. Tại Hà Nội, logo này sẽ được đặt tại nhiều điểm để làm nơi check-in cho người dân, du khách và xuất hiện trong nhiều hoạt động khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Công Quang: Từ tình yêu Hà Nội đến thiết kế logo kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.