Văn nghệ

“Chất” Hà Nội trong tranh cổ động của Hà Thành

Hoàng Lệ Quyên 01/09/2024 5:40

Có tình yêu sâu đậm với Thủ đô, tác giả Hà Thành đã giành nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi vẽ tranh cổ động của thành phố Hà Nội.

Trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hai vợ chồng anh đã giành giải Nhất và Nhì của cuộc thi.

Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với tác giả Hà Thành.

457001173_417447871346973_4341067183136444176_n.jpg
Tác giả Hà Thành và vợ giành giải Nhất và Nhì tại cuộc thi vẽ tranh cổ động cho đợt tuyên truyền 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lân

- Nhiều năm trở lại đây, năm nào anh cũng tham gia thi vẽ tranh cổ động do thành phố tổ chức và giành nhiều giải cao, anh có thể chia sẻ bí quyết?

- Tôi thấy mình thật sự may mắn khi các tác phẩm đều được Hội đồng giám khảo các năm đánh giá cao.

Hà Nội có rất nhiều chất liệu để cho tôi có cảm hứng sáng tác. Bề dày lịch sử, văn hóa cùng khí chất, tinh thần người Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tạo trong đó có tranh cổ động.

Trong các sáng tác của mình, tôi cố gắng thể hiện được tinh thần, chất Hà Nội ấy theo cách nhìn của một người trẻ để mỗi tác phẩm đều mang đến những thông điệp đẹp đẽ, tươi sáng, gợi nhớ được truyền thống của Hà Nội xưa và cũng thể hiện được tinh thần sáng tạo, vươn lên của người Hà Nội hôm nay.

- Anh có thể nói về các tác phẩm mà anh đã giành giải cao gần đây, hình ảnh Hà Nội đã được thể hiện như thế nào?

- Năm 2020, trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội, tôi được trao giải Nhất, Nhì, Ba... Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng nhận được giải thưởng. Đó là nguồn động viên lớn cho một người đam mê tranh cổ động. Những tác phẩm của tôi những năm trước thể hiện một hình ảnh văn hiến, giàu bản sắc với những biểu tượng mang dấu ấn Thăng Long - Hà Nội, chẳng hạn như bức phù điêu hình rồng thời nhà Lý.

Đợt cả nước căng sức chống dịch Covid-19, tôi có tác phẩm được sử dụng in làm pano tuyên truyền về phòng, chống dịch. Với tác phẩm này, tôi mong muốn lan tỏa được tinh thần, quyết tâm của người dân cả nước và Hà Nội trong phòng chống dịch Covid-19, có ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Năm nay, các tác phẩm đoạt giải của tôi thể hiện khát vọng Thăng Long. Tôi chọn hình ảnh chú chim bồ câu lớn làm nền, với dáng vẻ mềm mại, tư thế bay lên thể hiện khát vọng hòa bình và vươn lên xây dựng Thủ đô giàu mạnh, hạnh phúc.

455316298_1565902710657403_3210726652108869411_n.jpg
Năm 2020, tác giả Hà Thành giành cả 3 giải Nhất, Nhì, Ba tại cuộc thi vẽ tranh cổ động do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Ảnh: S.T

- Sáng tác nhiều tranh cổ động, anh có lúc nào thấy mình cạn ý tưởng?

- Tôi chưa bao giờ có cảm giác đó. Tôi có thói quen ghi lại bất cứ ý tưởng nào mình nghĩ ra, hoặc đi đường nhìn thấy cảnh vật nào có thể gợi mở ý tưởng sáng tác tôi đều ghi chép. Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào để các nghệ sĩ có thể sáng tạo không mệt mỏi.

- Tranh cổ động thường gợi nhớ đến những điều xưa cũ, tại sao một người trẻ như anh lại thích tranh cổ động?

- Từ khi học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi đã say mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của mảnh đất hơn nghìn năm tuổi, dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, di sản Thủ đô. Tôi từng làm báo và đam mê thiết kế đồ họa. Đó là con đường dẫn dắt tôi đến với tranh cổ động.

Nhiều người nghĩ, chỉ có người lớn tuổi mới thích và hiểu tranh cổ động, điều đó là không chính xác. Bây giờ, giới trẻ cũng rất thích dòng tranh này, bằng chứng là các cuộc thi sáng tác tranh cổ động gần đây thu hút rất nhiều tác giả trẻ tuổi. Tranh cổ động có giá trị tượng hình, mang tính biểu tượng cao, giúp truyền tải được những thông điệp như mong muốn.

Hiện nay, tranh cổ động đã len lỏi vào cuộc sống, xuất hiện trong rất nhiều hoạt động, sự kiện của thành phố, nhất là những đợt tuyên truyền trong những ngày lễ lớn như ngày Quốc khánh 2-9, tới đây là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng đưa tranh cổ động ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như in trên áo phông, trang trí cửa hàng...

456983480_2810607699096567_8472644484114160377_n.jpg
Tác phẩm tranh cổ động về phòng chống dịch Covid-19 của tác giả Hà Thành. Ảnh: S.T

- Tranh cổ động bây giờ khác xưa như thế nào?

- Đầu tiên là khác về nội dung và thông điệp. Ngày trước, vào những giai đoạn khác nhau, nhà nước sẽ có những đợt tuyên truyền, vận động và sử dụng tranh cổ động là phương thức để truyền tải, ví dụ như cổ động tinh thần yêu nước, chống giặc; tuyên truyền, cổ vũ tinh thần lao động, hăng say sản xuất...

Còn bây giờ, tranh cổ động thể hiện khát vọng phát triển, sự đổi mới và hội nhập quốc tế. Những hình ảnh sử dụng trong tranh cổ động có thể có sự tương đồng nhưng cách thể hiện của các tác giả bay bổng và mang cá tính khá rõ nét.

Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ từ đồ họa, kỹ thuật số giúp cho các tác giả dễ dàng thể hiện các ý tưởng của mình một cách nhanh hơn.

456252169_1178186960208211_1086076310829944468_n.jpg
Tác giả Hà Thành tham gia nhiều cuộc thi tranh cổ động của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lân

- Hiện nay, tranh cổ động sử dụng khá nhiều trong trang trí đường phố, theo anh, việc trang trí đường phố hiện nay đã đạt hiệu quả chưa? Làm thế nào để tranh cổ động có sức sống hơn?

- Theo cảm nhận của tôi, hoạt động tuyền truyền từ tranh cổ động đang tạo được sự chú ý và mang hiệu quả trong những thời điểm cụ thể. Để tranh cổ động mang lại hiệu quả cao trong trang trí đường phố và phát huy giá trị tuyên truyền, cổ động thì cần phải có quy hoạch cụ thể những không gian sáng tạo cho tranh cổ động. Việc trang trí cần thể hiện đúng vị trí và thời điểm, chẳng hạn như những khu vực công cộng.

Ngoài ra, tranh cổ động có thể được sử dụng trong nhiều hoạt động khác như có thể in ấn trên các vật phẩm làm quà tặng...

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chất” Hà Nội trong tranh cổ động của Hà Thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.