Hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 Triumf đã thu hút sự chú ý toàn cầu vào cuối năm 2015 khi được Moscow triển khai vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga.
Việc triển khai này đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải ngừng các hoạt động bay và báo cáo ảnh hưởng cho Mỹ cũng như liên minh. Điều này thể hiện tầm ảnh hưởng của tổ hợp vũ khí siêu khủng của Nga.
Tháng 4/2015, Nga tuyên bố bán 4 trong số 6 tổ hợp S-400 cho Trung Quốc. Hiện chưa rõ TQ triển khai hệ thống này ở đâu. Chỉ chắc một điều, sự xuất hiện của nó có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh khu vực cũng như tác động không nhỏ tới khả năng của Mỹ và đồng minh trong phản ứng với các cuộc khủng hoảng liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Hoa Đông và Biển Đông.
S-400 là gì?
S-400 được đánh giá là hệ thống vũ khí hàng đầu, không có đối thủ về khả năng chiến đấu trên toàn thế giới với tầm bắn tối đa 400km. Đây là hệ thống duy nhất hiện nay có khả năng tấn công các mục tiêu nằm ngoài đường chân trời và đối phó với các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.
S-400 là minh chứng hoàn hảo cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Mục đích của A2/AD là ngăn ngừa lực lượng đối phương tiến vào một khu vực nào đó và giới hạn hành động trong khu vực tác chiến của đối phương.
Nó là lực cản lớn trong việc phô diễn sức mạnh Mỹ cũng như ưu thế công nghệ tiên phong của nước này trước đối phương.
S-400 có thể ngắm tới nhiều mục tiêu ở phạm vi rộng, gồm cả máy bay tàng hình và tên lửa hành trình. Nó có thể đe dọa máy bay đối phương hoạt động ở tầm trung bình và cả tầm cao.
Một tên lửa S-400 giá vài triệu USD có thể phá hủy tài sản trị giá hàng trăm triệu USD như máy bay trinh sát không người lái RQ-4, máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35 và tồi tệ hơn là cả máy bay ném bom B-2 trị giá hơn 2 tỉ USD.
Toan tính của Trung Quốc
Cùng với những hệ thóng phòng không hiện đại khác, S-400 có thể tăng cường và mở rộng mạng lưới A2/AD của TQ. Nghĩa là, chúng sẽ đe dọa đến khả năng đảm bảo an ninh của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.
S-400 có thể giúp các lực lượng Trung Quốc ngăn chặn hay tạo áp lực với máy bay và hoạt động hàng không thời bình.
Ảnh hưởng chiến lược của S-400 thậm chí còn lớn hơn nhiều nếu được xem xét trong khả năng xảy ra khủng hoảng quân sự giữa TQ và các nước mà họ có tranh chấp. Lãnh đạo Mỹ và các đồng minh có lẽ cũng không phải ngạc nhiên nếu Trung Quốc định triển khai S-400 ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giáp biên giới Triều Tiên hay Biển Đông.
Tác động chính sách
Với Trung Quốc, S-400 bổ sung và tăng cường các khả năng A2/AD cùng với các hệ thống phòng không khác như S-300PMU và HQ-9 SAM, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, tác chiến điện tử, các tên lửa hành trình không đối không.
Việc kết hợp đồng bộ các tổ hợp vũ khí trên, sẽ giúp Bắc Kinh tự tin rằng, họ có thể thách thức khả năng can thiệp quân sự của Mỹ nếu xung đột xảy ra.
Nếu Mỹ chọn cách hoạt động ở ngoài tầm bao phủ của hệ thống này thì các sứ mệnh trên không sẽ khó khả thi vì rất ít máy bay có thể hoạt động ở khoảng cách xa như vậy. Tấn công trực tiếp vào tổ hợp S-400 là một chọn lựa, nhưng cũng sẽ rất khó khăn bởi hệ thống này có tính cơ động cao.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và đồng minh sẽ cần tìm ra cách giải quyết mối đe dọa của S-400 và các hệ thống tên lửa phòng không liên quan. Hoặc họ đơn giản là chấp nhận rủi ro cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.