Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ đông - xuân 2021-2022: Chủ động giải “bài toán” giá vật tư

Bạch Thanh| 22/11/2021 06:11

(HNM) - Là vụ sản xuất chính trong năm của Hà Nội và khu vực phía Bắc, với diện tích canh tác lên đến hơn 1 triệu héc ta, tuy nhiên, vụ đông - xuân 2021-2022 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao. Nhận diện vấn đề này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực, chủ động tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.

Nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) tập trung chăm sóc rau vụ đông - xuân 2021-2022, nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ảnh: Thanh Bạch

Giá vật tư, nguyên liệu tăng cao

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhiều năm qua, đông - xuân luôn là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, vụ đông - xuân 2021-2022, cả nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bồng Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) Tạ Hồng Lý cho biết: "Với gần 100ha sản xuất cây trồng các loại, ngay từ thời điểm này, chúng tôi đã phải dự trù kinh phí cho việc giá giống, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Chưa kể, nếu thời tiết bất thường có thể phải tính đến phương án xuống giống 2 lần". Còn Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho hay: "Giá giống rau nhập khẩu đang tăng mạnh, có loại tăng tới 50.000 đồng/ túi loại 100g- 200g; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp".

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ở thị trường Hà Nội cho thấy, giá vật tư nông nghiệp đang có mức tăng 30-40% so với hồi đầu năm. Cụ thể, phân NPK Lâm Thao có giá 500.000-530.000 đồng/tạ, tăng 20%; phân urê Hà Bắc giá 1.200.000 đồng/tạ, tăng 40%... Theo Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền Phan Văn Tâm, hiện đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, trong khi giá nguyên liệu phân URE tiếp tục tăng cao, trên thị trường thế giới đã lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Mạnh Phương cho biết, vụ đông - xuân 2021-2022, Hà Nội có diện tích canh tác hơn 103.000ha, trong đó lúa là 82.000ha, còn lại là cây rau màu và cây trồng khác. Với diện tích này, Hà Nội cần hơn 300 tấn giống cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là giống lúa với 250 tấn (giống lúa chất lượng cao chiếm trên 90%). Tuy nhiên, hiện lượng giống có bản quyền chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế, còn lại là nguồn giống được trao đổi của người dân. Đáng lo ngại là thời điểm này xảy ra hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới người nông dân, gây khó khăn cho việc quản lý…

Thực hiện nhiều giải pháp

Nông dân huyện Mê Linh tích cực sản xuất hoa, rau màu vụ đông - xuân 2021-2022.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) Vũ Thị Hương nhận định, giá vật tư, nguyên liệu đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành và hướng dẫn nông dân thực hiện. Đặc biệt, muốn giảm chi phí "đầu vào", cần giảm chi phí trung gian thông qua việc các hợp tác xã mua trực tiếp sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy...

Ở điểm nhìn khác, bà Bùi Thị Hồng Hà (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, giá phân bón trên thị trường thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó, các địa phương nên khuyến nghị nông dân tận dụng tối đa các phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại chỗ.

Với góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, để bảo đảm sản xuất vụ đông - xuân 2021-2022, huyện chủ động tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật gieo trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như: Hỗ trợ chi phí mua giống lúa, phân bón NPK chuyên dùng, thuốc bảo vệ thực vật… cho các diện tích sản xuất lúa VietGAP...  Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, huyện sẽ hỗ trợ các hợp tác xã 50% chi phí mua giống rau, ngô, khoai tây; hỗ trợ 30-50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện mô hình cơ giới hóa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất lúa vụ đông - xuân 2021-2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Hà Nội, khi cần giành thắng lợi cả về năng suất, giá trị, lợi nhuận để làm tiền đề cho tăng trưởng của ngành trong năm 2022 và bảo đảm an sinh xã hội. Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp mở rộng diện tích gieo cấy lúa và rau màu chất lượng cao; đẩy mạnh hỗ trợ để giảm chi phí "đầu vào" sản xuất như thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giống cây trồng… Với những diện tích không chủ động được nguồn nước sẽ thực hiện chuyển đổi, không trồng lúa bằng mọi giá mà chuyển sang rau màu và cây ăn quả ngắn ngày.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, để sản xuất vụ đông - xuân 2021-2022 thắng lợi, đề nghị các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động, linh hoạt, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt; bám sát sản xuất, tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp; chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ sản xuất vụ đông - xuân; đồng thời sản xuất theo tín hiệu thị trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ đông - xuân 2021-2022: Chủ động giải “bài toán” giá vật tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.