(HNM) - Chiến sự diễn biến theo chiều hướng khó kiểm soát tại Libya khi phe đối lập và lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi vẫn giành nhau từng tấc đất đã khiến giá dầu

Nhảy lên mức 108,31 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, dầu ngọt nhẹ tại thị trường New York đã thiết lập mức đỉnh trong 30 tháng, kể từ ngày 26-12-2008. Nối tiếp đà tăng, dầu Brent Biển Bắc cũng đã ấn định các hợp đồng ở ngưỡng đáng giật mình, 119 USD/thùng.

Sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày của Libya đã giảm tới 72% trong tháng 3 vừa qua và chạm đáy của 49 năm gần đây, ngành kinh tế chủ lực của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 8 trong OPEC thậm chí đã tê liệt từ khi chiến dịch "Bình minh Odessey" của phương Tây mở màn. Những thùng dầu ngọt chất lượng cao bậc nhất thế giới từ đất nước có tới 90% sa mạc không còn xuất hiện trên thị trường. Các nhà đầu tư đang lo sợ một hiệu ứng khác, đó là khả năng cung ứng dầu của Libya sẽ còn chìm trong khủng hoảng khi cuộc chiến chưa biết đến bao giờ mới có dấu hiệu kết thúc. Áp lực đè nặng lên thị trường nhiên liệu toàn cầu tưởng chừng đã dịu bớt với kế hoạch khôi phục xuất khẩu của phe đối lập tại thành trì miền Đông giàu dầu lửa đã quay ngược trở lại khi giới đầu tư nhận ra rằng đây có thể chỉ là mong ước viển vông trong tình thế rất khó dự đoán hiện nay. Thậm chí, ngay cả điều thần kỳ này có xảy ra, năng lực sản xuất khoảng 100.000 đến 130.000 thùng/ngày là không thể bù đắp những thiếu hụt mà cuộc xung đột tại đất nước từng cung cấp 2% lượng dầu thế giới đã tạo lập trên thị trường thời gian qua.

Với những bước nhảy giá chưa thấy điểm dừng của nhiên liệu, thời gian qua, thị trường dầu mỏ thế giới đang cảm nhận được nỗi hoang mang có chiều hướng lan rộng về tương lai của một cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang hình thành. Ngoài cú sốc đến từ Libya, thị trường dầu mỏ cũng đang đứng ngồi không yên khi những trung tâm mới của cơn bão bạo loạn liên tiếp nảy sinh. Trong lúc tình hình ở những mắt xích dầu mỏ quan trọng như Oman, Bahrain, Yemen... vẫn căng thẳng, thông tin Anh thúc giục công dân nước mình rời Yemen tránh bạo lực leo thang khiến giá dầu thô nối dài thêm bước tăng 10% chỉ trong tháng 3 này. Thế giới lo sợ, bất kỳ một sự gián đoạn nào nữa dù ít hay nhiều cũng sẽ là hung tin với thị trường nhiên liệu đã bước vào vòng xoáy giá cả nguy hiểm. Chỉ từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, giông tố chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi đã ghi nhận quý tăng giá mạnh nhất kể từ quý II-2009 của dầu thô, đồng thời ấn định tháng tăng giá thứ 7 liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ khi dầu bắt đầu được giao dịch vào năm 1983.

Vì vậy, không có nhiều lạc quan về khả năng giá dầu sẽ trở về mức hai con số trong năm nay kể cả khi Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có những bước can thiệp mạnh mẽ hơn về sản lượng. Trên thực tế, cho dù có khoảng trống từ Libya, nhưng về cơ bản thế giới chưa thiếu dầu trong khi nền kinh tế đang hồi phục yếu ớt chỉ cần thêm 2% sản lượng trong năm 2011. Như thế có nghĩa là, một lần nữa, giá trị của loại năng lượng đang cạn kiệt nhưng chưa thể thay thế này lại bị chi phối bởi những vấn đề chính trị khi giá đang tăng dần theo độ nóng trên chính trường các quốc gia Arab. Do đó, mối quan tâm lớn nhất hiện nay không phải là giá dầu sẽ tăng đến bao nhiêu vì thật khó dự đoán cục diện Trung Đông và Bắc Phi sẽ ra sao, mà là làm cách nào để đối phó với tác động không thể tránh khỏi của nó đến nền kinh tế từng quốc gia và toàn cầu.

Đã có nhiều lời báo động về việc giá dầu duy trì ở mức cao sẽ gây thương tổn đến nền kinh tế đang hồi phục chậm chạp của thế giới. Quy luật giá dầu tăng mỗi cent sẽ lấy đi của người tiêu dùng hơn 1 tỷ USD mỗi năm trong lúc mỗi thùng dầu thêm 10 USD, tăng trưởng kinh tế sẽ bị kéo tụt từ 0,25 đến 0,5% trong năm thứ nhất và 1% trong năm thứ hai đang là vấn đề làm nhiều chính phủ lo lắng. Bên cạnh đó, khi giá dầu là cơ sở của tất cả các loại giá, thì việc giá dầu cứ phi mã sẽ gây ra biến động hàng loạt về giá cả các mặt hàng khác dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nhất là lạm phát tăng cao. Có thể nói rằng, vào thời điểm các trụ cột kinh tế như Nhật Bản đang chạy đua để vượt qua cuộc khủng hoảng hạt nhân, châu Âu quay cuồng trong cơn bão nợ công và nước Mỹ chưa lấy lại phong độ thì giá dầu cao đang thực sự đặt cả thế giới trước những thử thách mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy giá dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.