(HNM) - Khép tuần ở kỷ lục 1.852,20 USD/ounce sau khi chinh phục đỉnh cao 1.877 USD/ounce ngay trong phiên cuối cùng của một tuần đầy biến động, con sóng giá vàng tiếp tục càn lướt khắp các thị trường thế giới.
Cuộc tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán đã đưa giá vàng lên đỉnh cao. |
Chỉ trong chưa đầy hai tuần, vòng tuần hoàn giá vàng leo dốc, cổ phiếu đổ đèo đã trở lại khi kinh tế thế giới nhuốm thêm u ám do các thông tin thất vọng từ Mỹ và châu Âu. Những nỗ lực nới van quả bóng nợ công đang phình to ở hai bờ Đại Tây Dương đã không giữ chân giới đầu tư được lâu khi họ nhận ra rằng cỗ xe kinh tế toàn cầu đang vận hành với các kế hoạch chấn hưng cọc cạch và thiếu hiệu quả. Đồng loạt rời bỏ thị trường chứng khoán được cho là lành ít dữ nhiều trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc suy thoái mới không còn dừng ở những lời đồn đại. Một lần nữa, vàng lại được chọn như một tấm lá chắn hoàn hảo trước những giông bão trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Tăng tới 30% giá trị từ đầu năm đến nay, không có nỗi hoài nghi nào về việc sự đột biến của giá vàng sẽ trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của năm 2011. Thế nhưng, cú bứt phá chưa từng thấy của vàng để hoàn tất năm thứ 10 tăng giá liên tiếp dường như là chỉ dấu về một thời kỳ thiếu bền vững và lắm rủi ro đã bắt đầu. Cùng đà lên đáng sợ của giá vàng cũng xuất hiện thêm những cảnh báo về tình trạng bong bóng trên thị trường kim loại quý. Số liệu 10 năm qua cho thấy, giá vàng trung bình cộng thêm 17%/năm trong khi giá các hàng hóa khác chỉ thêm 3%/năm. Đây chính là chỉ số cảnh báo mối nguy hiểm từ cơn sốt đang hiện hữu trên thị trường vàng thế giới.
Đã có nhận định vàng sẽ bay hơi 30% trong trường hợp bức tường thành phòng thủ màu vàng bị đổ vỡ trước áp lực giá đã vượt qua giá trị thực tế. Bài học nhớ đời của những người "ôm vàng" ở ngưỡng đỉnh cao mọi thời đại 2.200 USD/ounce khi cơn bão giá kinh hoàng càn quét thế giới năm 1980 xem ra vẫn chưa cũ. Tất nhiên, những thăng trầm của quá khứ không hoàn toàn giống với khó khăn của hiện tại. Song, chuỗi biến động dữ dội thời gian qua phản ánh một thực trạng: vàng đang trong một giai đoạn cực kỳ bất ổn. Dẫu biết, vàng đang hưởng lợi từ nỗi hoảng loạn trên thị trường tiền tệ nhưng chưa ai có thể xác định được bao giờ bong bóng vàng sẽ vỡ.
Trong khi đó, những tin tức hằng ngày phác thảo một chân dung kinh tế thế giới vẫn còn nhiều điểm tối, đặc biệt từ hai trụ cột Mỹ và châu Âu, khiến không một nhà đầu tư nào có thể ngồi yên. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng gấp đôi dự báo là 0,5%, số lao động xin trợ cấp không ngừng tăng thêm giữa lúc tử huyệt của kinh tế Mỹ là doanh số bán nhà lại tiếp tục giảm 3,5%. Tất cả các tổ chức tài chính danh tiếng, từ Goldman Sachs, Citigroup đến JP Morgan đều hạ triển vọng tăng trưởng đã rất thấp của siêu cường số 1 hành tinh quanh ngưỡng 0,5 đến 1,5% cho quý IV năm nay. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang luẩn quẩn trong hành trình tìm hướng hồi phục, bất chấp duy trì lãi suất gần bằng 0 suốt từ tháng 12-2008 và tung hàng ngàn tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng. Phía bên kia Đại Tây Dương, châu Âu cũng không khá hơn. Cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức đầu tuần qua đã thất bại trong thuyết phục dư luận về bạo bệnh nợ công sẽ ngừng xâm chiếm thêm lãnh thổ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đến giờ, nhiều dự cảm tốt đẹp về kinh tế toàn cầu năm 2011 từng được đưa ra đã bị những diễn biến phức tạp phá vỡ. Thế giới không phải đang ở giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính mà thực chất đã bước vào một cuộc khủng hoảng khác của nợ nần và lòng tin. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã nói tới một cơn bão mới đang hình thành. Như thế, các thị trường từ vàng, chứng khoán, tiền tệ đến dầu mỏ sẽ vẫn chưa hết chao đảo trong một vòng xoáy dữ dội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.