Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vòng xoáy bất ổn lan rộng tại Tây Phi

Quỳnh Dương| 07/06/2022 06:49

(HNM) - An ninh tại khu vực Tây Phi đang đứng trước những thách thức đáng lo ngại khi các vụ tấn công khủng bố tiếp diễn khiến số người thiệt mạng gia tăng, trong khi khó khăn về kinh tế - xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định và phát triển của khu vực. Liên minh châu Phi (AU) cho rằng, nếu không nhanh chóng đưa ra được biện pháp giải quyết, tình hình bất ổn tại khu vực này sẽ lan rộng sang các vùng khác của lục địa Đen.

Dù các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được điều động tới nhiều quốc gia ở Tây Phi, song bất ổn an ninh tại khu vực vẫn gia tăng.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, số lượng các vụ tấn công khủng bố ở khu vực trung tâm Tây Phi thời gian gần đây tiếp tục tăng, gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2016. Năm 2021, số vụ khủng bố được ghi nhận là 465. Đặc biệt tại Niger, trong năm 2021, có tới 588 trường hợp tử vong là do khủng bố, con số thiệt mạng liên quan đến khủng bố cao nhất trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, những con số được đưa ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore cho rằng, các mối đe dọa khủng bố đã vượt ra ngoài biên giới và không một quốc gia nào an toàn. Các nhà lãnh đạo Tây Phi lo ngại, tình trạng bạo lực leo thang dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại khu vực.

Trên thực tế, kể từ năm 2014, lực lượng quân sự 5 nước vùng Tây Phi gồm Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania (hay còn gọi là nhóm G5 Sahel) đã được thành lập nhằm ngăn chặn làn sóng bạo lực liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, do thiếu tài chính, trang thiết bị cũng như việc huấn luyện còn hạn chế, hoạt động của lực lượng này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Hiện tại, lực lượng này mới chỉ có 4.000 binh sĩ, trong khi mục tiêu ban đầu là 5.000 quân.

Trong khi đó, tình hình chính trị và nhân đạo xấu đi nhanh chóng. Kể từ giữa năm 2021 đến nay, có 4 quốc gia thành viên bị Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU đình chỉ tư cách thành viên do thay đổi chính phủ một cách vi hiến gồm Mali, Guinea, Sudan và Burkina Faso. Đây là lần đầu trong lịch sử, AU phải tiến hành động thái nói trên. Mali - quốc gia vốn được coi là một “điểm nóng” ở Tây Phi - đã lún sâu vào khủng hoảng sau một thập kỷ xung đột bùng phát mà vẫn chưa tìm được giải pháp. Ước tính sẽ có hơn 1,8 triệu người ở Mali cần hỗ trợ lương thực trong năm 2022, tăng mạnh so với 1,3 triệu người trong năm ngoái.

Ngày 5-6, AU đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi ở khu vực Sahel. Tuyên bố của AU lên án mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của những phần tử khủng bố, các nhóm vũ trang và tội phạm nhằm vào dân thường, các tổ chức an ninh của các quốc gia trong khu vực, cũng như Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) và các lực lượng quốc tế khác. Ngoài ra là tuyên bố cảnh báo về những thách thức kinh tế - xã hội hiện nay như sự bất bình của công chúng, tình trạng kém phát triển, tác động của biến đổi khí hậu, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nhân đạo do đại dịch Covid-19.

Trước đó một ngày, các lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã tập trung tại Accra, thủ đô của Ghana, với hy vọng tìm ra giải pháp cho tình hình chính trị ở Mali, Guinea và Burkina Faso. Tuy nhiên, những giải pháp được đưa ra đều được cho là mờ nhạt, chưa có khả năng giải quyết triệt để những thách thức tại khu vực này.

Nhiều nhận định cho rằng, vòng luẩn quẩn đói nghèo, xung đột đang đeo bám nhiều quốc gia ở khu vực Tây Phi. Để giải quyết được tình trạng này đòi hỏi cách tiếp cận mới về cấu trúc hòa bình và an ninh, có tính đến mối tương quan với các nhân tố gây bất ổn. Khi chưa thể tìm ra giải pháp toàn diện giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề nảy sinh thì các quốc gia Tây Phi còn tiếp tục phải đối mặt những thách thức an ninh, chính trị và kinh tế đe dọa sự ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy bất ổn lan rộng tại Tây Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.