(HNM) - Giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng lâm sản và gỗ của nước ta liên tục tăng trong những năm gần đây, đóng góp rất lớn vào sự phát triển ngành lâm nghiệp và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Cục Chế biến, thương mại nông, lâm sản và nghề muối, hiện cả nước có trên 3.900 DN chế biến gỗ và hàng nghìn cơ sở chế biến lâm sản với các loại hình sở hữu khác nhau, trong đó có khoảng 95% số DN chế biến lâm sản thuộc loại hình sở hữu tư nhân và 5% thuộc sở hữu nhà nước. Đáng lưu ý, các DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% tổng số DN chế biến lâm sản trong cả nước nhưng lại có giá trị sản lượng và kim ngạch XK chiếm đến 50%. Nhìn chung DN ngành lâm sản đều có quy mô nhỏ lẻ cả về số lượng lao động lẫn vốn đầu tư. Nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có tới 46% DN có quy mô siêu nhỏ, 49% có quy mô nhỏ, 1,7% DN có quy mô vừa và chỉ có 2,5% có quy mô lớn. Nếu xét trên quy mô vốn đầu tư thì có đến trên 93% DN chế biến ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ và chỉ có 1,2% có quy mô lớn. Hiện trên 50% số cơ sở chế biến sản phẩm lâm sản có trang thiết bị sơ chế và sản xuất (SX) sản phẩm hoàn chỉnh có chất lượng thấp, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công nguyên liệu phục vụ các DN có quy mô lớn, số còn lại có thiết bị và công nghệ ở mức trung bình khá của thế giới.
Ngành chế biến lâm sản hiện nay còn thô sơ, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên chưa phát huy được thế mạnh. Ảnh: Bá Hoạt
Hiện nay, đồ gỗ Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia. Ba thị trường chính chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn nhất là: Hoa Kỳ chiếm 38-44%; EU chiếm 28-30%; Nhật Bản chiếm 12-15%. Việc tập trung vào 3 thị trường lớn đã tạo ra sức tiêu thụ lớn, tăng nhanh kim ngạch XK nhưng cũng có nhiều rủi ro khi các thị trường này có biến động bất lợi. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ Việt Nam nhận định, hạn chế trong chế biến và tiêu thụ lâm sản là chất lượng tăng trưởng thấp và không bền vững. Hiện nay, tăng trưởng ngành lâm sản chủ yếu dựa vào XK, nhưng phần lớn là gia công nên phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã của khách hàng nước ngoài. Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Sức cạnh tranh yếu
Một trong những nguyên nhân khiến ngành lâm sản chế biến gỗ còn nhiều hạn chế do phần lớn DN ít vốn đầu tư, khả năng huy động vốn hạn chế nên chưa đáp ứng được đơn hàng lớn. Nguồn nguyên liệu gỗ, nhất là gỗ lớn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nên các DN chế biến còn bị động trong SX, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho các mặt hàng lâm sản chế biến chủ yếu nên tính chủ động đối với thị trường XK chưa cao, trong khi thị trường trong nước chưa được quan tâm, khai thác đúng mức. Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, các DN SX đồ gỗ Việt Nam đang gần như bỏ trống thị trường nội địa. Ngoài ra, chính sách tín dụng đầu tư cho ngành chế biến gỗ chưa thích đáng cũng khiến cho các DN hoạt động khó khăn.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu chế biến gỗ của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu SX, chế biến và chủ yếu thiên về "xuất thô, nhập tinh". Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bình quân mỗi năm, Việt Nam khai thác từ 6 đến 6,5 triệu mét khối gỗ trồng rừng nhưng chủ yếu là các loại gỗ ngắn ngày cho SX giấy, ván nhân tạo. Gỗ đủ sản xuất đồ mộc chỉ chiếm 10%. Mặc dù dăm gỗ XK đã tiêu thụ phần lớn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng nhưng giá trị XK đem lại không cao, chỉ khoảng 300 triệu USD, tương đương 7-8% tổng kim ngạch XK hằng năm. Trong khi đó, ngành gỗ phải nhập khẩu ván dăm sơ chế từ các nước nhập dăm gỗ của Việt Nam với giá 400 USD/tấn, cao gấp 4 lần.
Để phát triển rừng gỗ lớn phục vụ nguyên liệu cho chế biến, cần khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết giữa DN và các chủ rừng để trồng rừng quy mô lớn nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài cho người dân và đáp ứng được các yêu cầu về nguồn cung. Định hướng của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới là chuyển đổi cơ cấu sản phẩm khai thác gỗ non làm dăm gỗ XK đạt 70%, gỗ lớn 30% hiện nay sang cơ cấu mỗi loại 50% và 30-70% vào năm 2020, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ XK. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, chế biến và thương mại lâm sản là mũi nhọn của ngành lâm nghiệp, các DN cần đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu quả sử dụng lâm sản, đáp ứng nhu cầu XK và tiêu dùng nội địa. DN cần đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến phù hợp với thị hiếu khách hàng trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.