(HNMO) - Ngày 21-10, được hưởng quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để hồi phục sức khỏe sau các ca trực đêm 20-10, các nữ điều dưỡng viên Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy mới có chút thời gian chia sẻ về “Ngày Phụ nữ Việt Nam đặc biệt” của mình.
21h ngày 20-10, tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân nam bị chấn thương sọ não được chuyển lên từ Khoa Cấp cứu… 22h30, lại thêm một bệnh nhân nữa trong tình trạng rất nặng được chuyển lên… Các nhân viên y tế tập trung hỗ trợ bệnh nhân, khẩn trương đặt nội khí quản ngay sau khi vào khoa để tạm thời đảm bảo được các chỉ số sinh tồn…
Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Yến - Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, người đã 23 năm công tác tại đây, cho biết, bệnh nhân của khoa thường là bệnh nhân nặng và rất nặng, thuộc nhóm bệnh nhân cần được chăm sóc cấp 1. Đó là những bệnh nhân hôn mê hoàn toàn, mọi hoạt động chăm sóc đều do nhân viên y tế đảm nhận.
“Nếu bác sĩ là người luôn căng thẳng vì sự trở nặng bất ngờ của người bệnh thì đội ngũ điều dưỡng là nhóm nhân sự luôn túc trực thường xuyên theo dõi các chỉ số sinh tồn, di chuyển liên tục để thực hiện công tác chăm sóc người bệnh… Hơn 50% bệnh nhân tại khoa thuộc nhóm bệnh rất nặng cần được theo dõi thường xuyên từ 15-20 phút/lần, số bệnh nhân còn lại thì cần được kiểm tra đánh giá sau 2 giờ/lần. Ngày 20-10 là ngày lễ, cũng bận rộn như ngày thường vậy đó!”, Điều dưỡng trưởng Ngọc Yến chia sẻ.
Nói về công việc của mình, điều dưỡng Trần Thị Hương chia sẻ: “Trung bình, mỗi điều dưỡng đảm trách chăm sóc, theo dõi từ 4 đến 5 người bệnh. Kể cả khi người bệnh nằm yên thì nhân viên y tế luôn phải chú ý trông chừng, kịp thời trợ giúp khi cần thiết, bởi tất cả đều là bệnh nhân nặng. Mỗi ngày, chúng tôi có nghĩa vụ giúp bệnh nhân ăn đủ hoặc nhiều hơn 3 bữa, cần được tắm rửa, vệ sinh. Trong đó, việc đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh hôn mê không đơn giản chút nào…”.
Có lịch trực đúng ngày lễ 20-10, điều dưỡng viên Thu Thanh chia sẻ: “Lúc đầu đi làm em cũng bỡ ngỡ lắm, không biết thay ga trải giường, hay tắm rửa, lau người cho bệnh nhân gì hết, mọi thứ đều nhờ các chị lớn hướng dẫn. Nhưng rồi dần dần cũng quen và thạo việc. Một trong những việc khó khăn với em là phải đối mặt với diễn biến tâm lý khi chứng kiến những người bệnh hôm qua mình còn được chăm sóc, hôm nay thành người đã khuất vì trọng bệnh. Lâu dần, em cũng nhận ra, đúng là chỉ có yêu nghề thì người ta mới vượt qua được những khó khăn và áp lực này…”.
Với họ, ngày lễ của phụ nữ hay ngày thường, công việc luôn căng thẳng, bận rộn và khẩn trương như thế. Các nữ nhân viên y tế tại bệnh viện tuyến cuối này đã xác định đó là công việc và là một phần thực tế cuộc sống của họ. Khi bệnh nhân hồi phục sức khỏe, sẽ là “món quà” lớn mà các nhân viên y tế và người thân của bệnh nhân cùng chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.