Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vô tư xả nước thải ra sông

Tuấn Khải| 08/08/2011 07:03

(HNM) - Khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B (quận Long Biên) được hình thành cách đây 14 năm, có 20-30 doanh nghiệp (DN) hoạt động. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn chưa có trạm xử lý nước thải tập trung.

Nước thải từ hoạt động sản xuất của các DN trong KCN này hầu như được xả thẳng xuống sông Cầu Bây. Môi trường ngày càng ô nhiễm, trong khi dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung cho KCN này đến nay vẫn chưa khởi công.

Nước thải xả thẳng xuống sông


KCN Sài Đồng B, nguồn gây ô nhiễm sông Cầu Bây. Ảnh: Việt Ba

KCN Sài Đồng B được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Điện tử Hà Nội (Công ty Hanel) làm chủ đầu tư để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN từ những năm 1996-1997. Kể từ khi hoàn thành và đưa vào khai thác đến nay, trung bình tại KCN này luôn có 20-30 DN thuê đất làm nhà máy, xưởng sản xuất. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, KCN này vẫn không có nhà máy xử lý nước thải và vì thế nước thải từ hoạt động của các doanh nghiệp đều được xả thẳng xuống sông Cầu Bây gần đó khiến cho con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (FAVRI - nằm liền kề với sông Cầu Bây): Sông có chiều dài hơn 12km, xưa nay vẫn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu sinh hoạt, chống hạn tiêu úng cho cả một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn phía đông Hà Nội. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, dòng sông đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, khi nước sông còn sử dụng được, trạm bơm của FAVRI là đầu nguồn cung cấp nước tưới cho 5ha vườn ươm thí nghiệm của viện. Nhưng, nay nước sông ô nhiễm, trạm bơm cùng hệ thống mương dẫn nước đành bỏ hoang. Để có nước tưới phục vụ cho 5ha vườn ươm, FAVRI phải khoan giếng, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải làm sạch nguồn nước sông Cầu Bây phục vụ tưới tiêu, sản xuất.

Chịu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm của sông Cầu Bây còn có hơn 300 hộ gia đình CBCNV của FAVRI và hàng nghìn người dân thuộc các phường, xã của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Tập thể cán bộ FAVRI đã phải làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng của TP Hà Nội. Đại diện UBND xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) cho biết, trước đây xã đã từng mời cán bộ của Trường đại học Nông nghiệp I về khảo sát và kết luận nguồn nước tưới là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng rau trồng bị chết, ổi vàng, rụng lá, cây trồng bị nấm… Vấn đề ô nhiễm sông Cầu Bây luôn trở thành nỗi bức xúc, kiến nghị của cử tri trong mỗi kỳ họp HĐND. Xã đã báo cáo huyện, huyện báo cáo TP, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Dự án chậm vì chuyển đổi chủ đầu tư?

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm sông Cầu Bây, đại diện Công ty Hanel cho biết, năm 2007 Hanel đã có biên bản thỏa thuận với Công ty CP Him Lam về việc chuyển giao chủ đầu tư 38ha KCN Sài Đồng B để thực hiện dự án Khu công viên Công nghệ thông tin (CNTT) Hà Nội, trong đó có nội dung Công ty CP Him Lam sẽ chịu trách nhiệm xây dựng khu xử lý nước thải chung cho cả KCN Sài Đồng B và khu CNTT Hà Nội tại vị trí quy hoạch mới ngay khi khu CNTT Hà Nội được phê duyệt quy hoạch. Thỏa thuận này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận và sau đó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo UBND TP Hà Nội, ô nhiễm môi trường tại các KCN đang là một trong những vấn đề nổi cộm và lãnh đạo UBND TP cũng đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng. Với KCN Sài Đồng B, trạm xử lý nước thải tập trung đã được Công ty Hanel đề nghị TP cấp phép xây dựng tại lô đất ký hiệu D từ năm 2007. Tuy nhiên, sau đó để phù hợp với quy hoạch tổng thể khu vực Tây nam quận Long Biên nên dự án này đã chuyển cho Công ty CP Him Lam. Công ty CP Him Lam đang hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công xây dựng ngay trong năm 2011. Vừa qua, TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tăng cường thanh, kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN Sài Đồng B xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép xả vào nguồn nước sông Cầu Bây; đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cầu Bây để cải thiện nguồn nước.

Việc KCN không có nơi xử lý chất thải và xả thẳng ra sông là không thể chấp nhận được. Chẳng lẽ vì lý do nào đó mà đầu độc mãi dòng sông này hay sao?

Hiện mới có khoảng 40% khối lượng nước thải tập trung tại các KCN ở Hà Nội được xử lý. Các KCN đã đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung gồm: KCN Quang Minh I (công suất xử lý 3.000m3/ngày-đêm); KCN Hà Nội - Đài Tư (2.000m3/ngày-đêm); KCN Nam Thăng Long. Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải KCN Phú Nghĩa công suất 2.000m3/ngày-đêm đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Dự án trạm xử lý nước thải KCN Thạch Thất - Quốc Oai cũng chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Dự án xây dựng trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Từ Liêm công suất 3.500m3/ngày-đêm dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2011.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vô tư xả nước thải ra sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.