(HNM) - Hiệp hội Minh Long võ đạo Saint Herblain là một trong số những tổ chức tích cực đóng góp cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp. Điều đặc biệt là phần lớn người tổ chức và điều hành hiệp hội này là người nước ngoài. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, võ sư người Pháp Aziz Abdouss - một trong những người sáng lập hiệp hội tại thành phố Saint Herblain chia sẻ, vì yêu mến võ thuật, văn hóa và con người Việt Nam, nên hiệp hội tích cực quảng bá.
- Ông có thể giới thiệu vài nét về Hiệp hội Minh Long võ đạo Saint Herblain?
- Hiệp hội Minh Long võ đạo Saint Herblain thành lập từ tháng 3-1987, tại thành phố Saint Herblain (Pháp) với 5 thành viên đều là học trò của võ sư Trần Hoài Ngọc - người mở nhiều câu lạc bộ võ cổ truyền Việt Nam trên khắp nước Pháp. Chúng tôi huấn luyện võ sinh theo trường phái Minh Long và gắn bó với trường phái này đến bây giờ. Ban đầu chỉ có 12 học viên, đến nay mỗi khóa học đã có tới 130 học viên, trở thành một trong những tổ chức võ thuật lớn tại Pháp. Tại hiệp hội có 3 khóa học thường xuyên là: Les Scarabées (Bọ Hung - dành cho đối tượng từ 4 đến 12 tuổi), Les Tigres (Hổ - dành cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi), Les Dragons (Rồng - dành cho đối tượng trên 18 tuổi), thu hút nhiều người theo học.
Hiệp hội Minh Long võ đạo Saint Herblain hoạt động tình nguyện và chú trọng đến sự cởi mở, gần gũi. Bên cạnh luyện tập, chúng tôi còn tổ chức hoạt động gala võ thuật, giải đấu Minh Long Cup cấp quốc gia, tham gia các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp…
- Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về việc quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua bộ môn võ này?
- Những người Pháp như tôi đã học được không ít tiếng Việt, thông qua việc luyện tập Minh Long võ đạo. Các học viên của chúng tôi bắt đầu phần luyện tập mỗi ngày bằng cách đếm từ 1 đến 10 và nói các kỹ thuật bằng tiếng Việt. Phát âm của tôi cũng khá, dù có người Việt Nam cười khi nghe tôi đếm số hoặc nói. Những võ sinh Việt Nam trong lớp thì rất vui lòng sửa phát âm và hướng dẫn tôi nói tiếng Việt. Khi học Minh Long võ đạo, học viên đều có nhu cầu được tìm hiểu về quê hương của môn võ. Và khi đã hiểu, yêu mến đất nước của các bạn thì họ sẽ càng gắn bó với môn võ hơn.
- Hiệp hội Minh Long võ đạo Saint Herblain đã có những hoạt động như thế nào để giới thiệu, quảng bá võ cổ truyền Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung đến người Pháp và cộng đồng người Việt tại Pháp, thưa ông?
- Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức và tham gia nhiều hoạt động giao lưu, tương tác để giới thiệu võ Minh Long rộng rãi tới cộng đồng, cổ vũ tinh thần các võ sinh. Bản thân tôi cũng tham gia giảng dạy, tổ chức nhiều khóa thực hành ngắn hạn về bộ môn này, đồng thời, đưa võ sinh thi đấu tại các giải ở Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, chúng tôi hợp tác với Hiệp hội Phát triển các hoạt động giáo dục, nghệ thuật và giao thoa văn hóa Việt - Pháp (Art Space), nhằm tạo sợi dây liên kết mạnh hơn với văn hóa Việt Nam. Hai bên đã có những dự án chung như tổ chức triển lãm, hòa nhạc, khám phá ẩm thực, thực hành hội họa, biểu diễn âm nhạc, trình diễn võ thuật Việt Nam vào các dịp Trung thu, Tết Nguyên đán… Gần nhất là chương trình “Tinh hoa Việt Nam” tại thành phố Saint Herblain vào đúng mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý của các bạn. Mỗi chương trình như thế thu hút hàng nghìn khán giả Pháp và cộng đồng người Việt tại Pháp. Cũng từ đây, nhiều người biết đến hiệp hội của chúng tôi, đặc biệt là các gia đình người Việt. Họ đã tìm đến chúng tôi và gửi gắm con cháu mình để vừa rèn luyện thể chất, vừa được tiếp cận với cội nguồn. Art Space còn hỗ trợ chúng tôi thực hiện các buổi thực hành về ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam và sắp tới là lớp học tiếng Việt cho các võ sinh của hiệp hội. Khi được học tiếng Việt, võ sinh sẽ nắm rõ hơn các khái niệm, phát âm chuẩn và thực hành bộ môn võ này tốt hơn.
- Ông có thể chia sẻ con đường đến với bộ môn võ cổ truyền Việt Nam của bản thân?
- Tôi bắt đầu làm quen với võ thuật từ năm 15 tuổi, chủ yếu học từ bạn bè và bắt chước theo các bộ phim. Sau này, tôi trở thành giáo viên và nhận thấy mình cần rèn luyện để có sức khỏe, sự dẻo dai trong công việc. Từ đó tôi đã tìm hiểu võ thuật Việt Nam, bộ môn Minh Long võ đạo, theo học võ sư Trần Hoài Ngọc và gắn bó với võ cổ truyền của nước bạn đến bây giờ khi đã 60 tuổi. Một trong những mốc quan trọng trên hành trình theo đuổi võ thuật của tôi là được lên đai xanh vào năm 1987. Tôi được Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam công nhận là Võ sư đệ thất đẳng năm 2017.
- Ông đã từng đến Việt Nam chưa và cảm nhận thế nào về đất nước chúng tôi?
- Tôi đã từng đến Việt Nam và dành đa số thời gian ở Nha Trang (Khánh Hòa) - nơi có Câu lạc bộ võ cổ truyền Minh Long Tây Sơn võ đạo, để học hỏi kỹ thuật chuyên môn. Phong cảnh đất nước bạn thật tuyệt vời, người dân rất nồng hậu và hiếu khách, khiến tôi thật sự muốn quay trở lại. Tôi cũng rất ấn tượng với tà áo dài Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.