(HNM) - Ngày nay, giữa thời đại của tri thức và công nghệ, trong sự xâm lấn của văn minh vật chất, không ít người giật mình: Tính cộng đồng, cộng sinh - một nét đẹp góp phần tạo nên tính cách Việt đang mất dần trong đời sống hằng ngày?
Dường như sự yêu thương, đồng cảm đang phải gồng mình chống lại sự ích kỷ, thực dụng. Mỗi người đều có thể bắt gặp sự vô cảm đến lạnh lùng ở đâu đó trong đời sống, trong cung cách ứng xử của con người đối với con người. Chúng ta thật sự đau lòng vì sự vô cảm như những tế bào độc đang tồn tại trong cơ thể xã hội.
Trong thực tế cuộc sống, không thiếu người tốt và cũng không thiếu việc tốt. Một Đinh Công Toản với chiếc mũ tai bèo, bộ quần áo bộ đội bạc màu, bất chấp cái nắng thiêu đốt, khói bụi hầm hập và cả những lời đe dọa, ngày này qua tháng khác cần mẫn kéo lê cây cào tự chế hút các mảnh thép nhọn trên đường chỉ bởi một lẽ đơn giản "sợ bà con mình gặp tai nạn". Một Phạm Thị Lành "nghèo rớt mồng tơi" phải bỏ quê kiếm sống bằng nghề bán vé số, nhưng vì một lời hứa mà không mảy may tiếc nuối khi trả lại lô vé trúng thưởng rất lớn cho người đã đặt mua nhưng chưa trả tiền. Một nhà báo bé nhỏ gầy gò, có tên Trần Mai Anh đã vượt không biết bao nhiêu khó khăn để chở che cho một tâm hồn bé bỏng bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay khi lọt lòng, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục… Rồi những hiệp sĩ săn bắt cướp của đất Phú Hòa, Bình Dương, bất chấp hiểm nguy vì sự bình an của cuộc sống và vì… "ghét cái ác như nhà nông ghét cỏ"… Hiện thân của lòng nhân ái, của sự thánh thiện có ở khắp mọi nơi. Có điều, trong xã hội có quá nhiều biểu hiện vô cảm, trong khi cái tốt, sự thánh thiện dường như đang mai một, bị lép vế.
Nhìn thẳng vào những khuyết tật để nhận diện chính xác hơn những vấn đề đang phát sinh trong lòng xã hội là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, không thể loại trừ những tế bào độc ra khỏi cơ thể khi không hiểu biết về chúng hay nói cách khác không thể trị bệnh khi chưa bắt trúng bệnh. Vậy vô cảm là gì? Đâu là nguồn gốc phát tác các tế bào vô cảm? Vô cảm có phải là căn bệnh của xã hội hiện đại hay không?
Theo nhiều nhà xã hội học, vô cảm chính là biểu hiện xuống cấp về đạo đức, khi con người ta chỉ biết đến những cái có lợi cho mình, những chuyện không phải của mình thì không cần quan tâm. Có người cho rằng sự vô cảm có nguyên nhân từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ sự xuống cấp về giáo dục và những tác động của chủ nghĩa vật chất thực dụng đã làm xói mòn, đảo lộn các giá trị truyền thống. Điều đó không sai nhưng cũng cần thấy rằng, sự vô cảm đều bắt nguồn từ tính ích kỷ của con người. Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác".
Biểu hiện cơ hội, sự lệch lạc của tư duy đã có từ rất lâu trong đời sống nhân gian. Ca dao, tục ngữ thể hiện rất rõ nếp nghĩ và lối hành xử của không ít người như Mượn gió bẻ măng; Gió chiều nào che chiều ấy; Qua sông nên phải lụy đò, Tối trời nên phải lụy o bán dầu; Ăn cơm đi trước, lội nước theo sau... Như vậy, tính ích kỷ, thói cơ hội từ lâu đã ăn vào nếp nghĩ của không ít người Việt và đây là những mảnh đất màu mỡ ươm mầm những "tế bào độc". Tính ích kỷ, thói cơ hội chính là "cha đẻ" và là "bạn đồng hành" của thói xấu và cái ác.
Thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, tuy nhiên mức độ biểu hiện ở từng thời điểm lịch sử xã hội lại không giống nhau. Và con người luôn đấu tranh với cái ác để cái thiện phát triển. Trong bối cảnh làng xã ngày xưa, khi con người phải hợp sức để vật lộn cùng thiên tai, giặc dã nên "tối lửa tắt đèn có nhau" và chính mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ ấy đã tạo nên sức mạnh xua đuổi cái ác. Trong xã hội hiện đại, "đèn nhà ai nhà nấy rạng", tính cộng đồng mất dần cùng tiến trình đô thị hóa. Thêm nữa, cái tôi cá nhân được đề cao trong một bối cảnh mà nền tảng đạo đức truyền thống đang bị xô đẩy trước những luồng gió độc của lối sống thực dụng - "chủ nghĩa vật chất" đã khiến nhiều người chỉ biến đến chính mình và sống cho chính mình.
Ông cha ta đã lấy "nhân", lấy "nghĩa" làm nền tảng đạo đức, xây dựng xã hội trên tinh thần nhân văn. Con người lấy "nhân", "nghĩa" làm đầu, đề cao tinh thần trách nhiệm, mở rộng lòng nhân ái, sẵn sàng xả thân vì đồng loại, vì đất nước. Vì thế mà những giá trị cốt lõi của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương đồng loại thường được đặt lên cái tôi cá nhân. Và vì vậy mới có tinh thần: Thương người như thể thương thân; Máu chảy ruột mềm; Lá lành đùm lá rách; Một miếng khi đói bằng gói khi no; Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng… Hướng đến một xã hội nhân văn giàu lòng nhân ái cũng là ước muốn của mỗi người dân nước Việt.
Đạo lý của người xưa đã trở thành nét văn hóa mang đặc trưng của tâm hồn Việt và có giá trị trường tồn. Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam hôm nay là làm cho những nét đẹp ấy có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân tộc và trong mỗi con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Phần tốt ở mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi".
Gần đây nhiều nhà tâm lý học, xã hội học cho rằng đã đến lúc phải tiến hành một cuộc "đại phẫu" trong giáo dục nhân cách và tái lập một chế tài nghiêm khắc để điều chỉnh hành vi của mỗi con người trong xã hội. Những khuyến cáo như vậy rất đáng để suy nghĩ bởi muốn xây dựng một xã hội giàu tính cộng đồng và hướng vào cộng đồng không thể không nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Biểu hiện vô cảm như loài nấm độc tràn lan trong xã hội hôm nay là những minh chứng cụ thể và xã hội đang phải trả giá cho điều đó.
Giáo dục nhân cách không thể là những bài học đạo đức sáo mòn, được rao giảng một cách vô hồn theo lối nhồi nhét, thi cử và chấm điểm mà cần đi từ trái tim đến trái tim, đủ ngấm vào tâm thức trẻ. "Nhân chi sơ, tính bản thiện", nếu tâm hồn trẻ thơ căng đầy những tình yêu thiên nhiên, tình thương gia đình, lòng nhân ái bao dung với người thân, đồng loại… thì chắc chắn cái xấu, cái ác khó có thể len vào. Như vậy, những thay đổi về tư duy và phương pháp giáo dục nhân cách cho lớp người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước là hết sức cần thiết. Thế nhưng điều đáng buồn là giáo dục mầm non, tiểu học vẫn là "điểm yếu" trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Giáo dục nhân cách là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội, trách nhiệm chung và cả trách nhiệm riêng. Con trẻ không thể "thành người" nếu không được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự dạy bảo tận tình, trách nhiệm của thầy cô và sự đùm bọc đầy nhân ái của cộng đồng xã hội. Và một điều nữa là thay vì loay hoay "dọn dẹp" những thói xấu của trẻ nhỏ, hãy dạy chúng không chấp nhận cái xấu, những kỹ năng để xử lý những tình huống xấu và cách tư duy, làm việc mang tính cộng đồng.
Nếu ở lứa tuổi đầu đời, gia đình và nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người thì ở tuổi trưởng thành vai trò ấy cơ bản thuộc về xã hội. Trong một môi trường mà vật chất được tôn lên quá đáng, bằng cấp và các giá trị ảo lấn lướt những giá trị nhân bản và đích thực thì chắc chắn con người sống trong môi trường đó không thể tránh được những hệ lụy tiêu cực. Làm thế nào để những tiêu chí văn minh thanh lịch không bị nhạt nhòa trong lối sống thực dụng cùng văn hóa ngoại lai thời thượng? Làm thế nào để những làng văn hóa, cụm dân cư văn hóa không phải là những khẩu hiệu xa vời? Làm thế nào để mỗi con người trong xã hội luôn biết hướng về cộng đồng? Trách nhiệm trả lời những câu hỏi này không đơn giản.
Một điều nữa rất đáng suy nghĩ là các phong trào "Người tốt, việc tốt", "Xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch"… đã lan tỏa trong toàn xã hội nhiều năm qua nhưng vẫn chưa tạo được xung lực mạnh mẽ đủ sức đẩy lùi những biểu hiện vô cảm. Hiện thực cuộc sống và những khát khao xây dựng một xã hội nhân văn, nhân ái vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vậy, phải chăng trong cách thức triển khai những phong trào này có điều gì đó chưa ổn?
Vô cảm là thứ tế bào độc đang ăn mòn cơ thể xã hội, để những tế bào đó không còn khả năng phát tác, chúng ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề, trên nhiều bình diện, từ vĩ mô là những quy định mang tính pháp luật để điều chỉnh toàn xã hội đến những việc cụ thể của mỗi nhà trường, mỗi gia đình với hướng đến chuẩn mực đạo đức và sự phát triển lành mạnh. Và một vấn đề nữa là hãy tự ý thức để thay đổi tư duy và hành động. Trong mỗi con người đều có cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái cao thượng và thấp hèn. Khi chúng ta làm được nhiều điều tốt thì thắng lợi của cuộc đấu tranh đó nghiêng về cái thiện và bệnh vô cảm sẽ dần dần bị hạn chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.