(HNM) - Phục dựng lại vở cải lương
Suất diễn tổng duyệt cuối tuần qua của "Trả giá cho tham vọng" tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) đông kín khán giả cả hai tầng, rất nhiều trong đó là người trẻ, sẵn sàng buông bỏ thiết bị công nghệ cầm tay để thưởng thức một câu chuyện rất đời chuyển tải bằng nghệ thuật dân tộc nhưng không kém phần hiện đại. Đó là câu chuyện về lợi danh làm mờ mắt khiến nhân vật Sơn sắp đặt, hiến tặng người yêu của mình để thăng tiến quan trường. Dù đã cố gắng thoát khỏi cạm bẫy nhưng không được, Thu Phương (người yêu Sơn) uất hận, trả thù những người đã gây ê chề cho mình. Giám đốc Trung, người lỡ rơi vào âm mưu này cũng từ đây lâm vào cuộc sống luẩn quẩn để vừa giữ được danh dự của mình, vừa thu xếp ổn thỏa việc gia đình trước sức ép của cả Sơn và Phương, cùng những tình huống trớ trêu…
Tác giả Phạm Văn Quý có một kịch bản "sống" nhiều thập kỷ, đến giờ, những tình huống tương tự vẫn còn trong cuộc sống, để người xem cảm thấy câu chuyện kịch rất thật, rất đời. 10 năm trước, vở cải lương được dựng dưới bàn tay đạo diễn NSND Lê Hùng đã là vở "đinh" của cải lương Hà Nội suốt thời gian dài. Nhưng sân khấu cách nhau cả thập niên, không thể cứ giữ nguyên mà kéo được khán giả vào rạp. NSƯT Trần Quang Hùng phục dựng vở diễn, tất nhiên có sự thay đổi, thổi vào đó luồng gió mới từ nội dung đến cách thức dàn dựng.
Không sử dụng sự kết hợp giữa điện ảnh với cải lương như nhiều vở diễn đã gây được tiếng vang mấy năm qua của Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSƯT Trần Quang Hùng kết hợp cải lương, âm nhạc, múa, công nghệ ánh sáng hiện đại tạo ra một tác phẩm sân khấu cởi mở hơn, xóa đi định kiến sướt mướt, lê thê về loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên cái khó là giữ được đúng "hồn" của nghệ thuật cải lương. Trong vở diễn dài gần 2 tiếng, đôi chỗ vẫn thiên về kịch nói nhưng mỗi lần ca cải lương thì khán giả đều vỗ tay, bởi chất giọng của dàn diễn viên rất tốt, lại đặt trong tình huống hợp lý.
Ở bản dựng ban đầu của NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Quang Hùng vào vai nhân vật chính là ông giám đốc Trung, lần này, cũng là rất lâu mới thấy anh đứng trên sân khấu trực tiếp diễn lại vai này. Duyên diễn ăn vào máu, cùng với khả năng ứng phó linh hoạt, nhìn tổng thể cục diện khiến cho các tình huống trôi tự nhiên, "đỡ" nhiều cho các vai khác. Và để ý thấy trong lần phục dựng này, NSƯT Trần Quang Hùng làm cho số phận từng nhân vật rành mạch hơn, nhất là ở phần kết. Sơn, Thu Phương hay giám đốc Trung đều phải trả giá, chịu trách nhiệm với những lỗi lầm của mình dù rằng ban đầu là nạn nhân hay kẻ chủ mưu. Đây là sự bất ngờ và thỏa mãn khán giả, nhất là những người đã từng xem bản dựng trước.
Đặc biệt ấn tượng là vở diễn có nghệ sĩ đồng hành với các nhân vật, do NSƯT Đào Trung thể hiện. Anh như một người thân, chia sẻ những đắng cay, tủi hờn, cáu giận của nhân vật bằng tiếng đàn và lời hát của mình. Âm nhạc của anh gần gũi và êm dịu, phù hợp với thời đại. Theo ý của NSƯT Trần Quang Hùng thì đó là lời khẳng định về sự sát cánh, đồng hành của nghệ sĩ với mọi diễn biến của thời cuộc, phản ánh và góp phần giúp mọi người nhận ra hay dở, tốt xấu trong cuộc sống. Chỉ có điều, nhân vật này có lẽ xuất hiện chưa đủ thời lượng, nên người xem đôi khi cảm giác anh chỉ trình diễn để khỏa lấp thời gian chuyển cảnh.
Chắc chắn việc kết hợp các loại hình nghệ thuật trong một vở diễn không còn là thử nghiệm, đó cũng là xu hướng chung của sân khấu hiện đại, đủ khả năng thu hút nhiều đối tượng khán giả. Nhưng làm sao tạo thành một tác phẩm nhuần nhuyễn, uyển chuyển thì không dễ dàng, kể cả với vở diễn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.