(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (giao thức internet thế hệ thứ 6), chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang IPv6 sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là kết quả với sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) là một trong những đơn vị góp phần tích cực vào sự thành công chung này.
Địa chỉ IPv6 được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - cơ quan quản lý tài nguyên internet tại Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu giới thiệu vào năm 2004. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi ứng dụng thế hệ địa chỉ internet mới IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ, thay thế cho địa chỉ IPv4, nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của dịch vụ internet Việt Nam và bắt kịp xu thế mới về công nghệ.
Theo ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC kiêm Phó Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đến hết năm 2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu, với hơn 21 triệu người sử dụng.
Cũng theo Trung tâm Internet Việt Nam, đến thời điểm này, hạ tầng mạng IPv6 quốc gia gồm hệ thống DNS (phân giải tên miền) quốc gia với 6/7 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6 và Trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia (VNIX) với 19/21 thành viên kết nối qua IPv4/IPv6, là nền tảng cho phát triển internet Việt Nam nói chung và ứng dụng thế hệ địa chỉ internet mới nói riêng.
Về triển khai IPv6, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 theo bộ tiêu chí đánh giá với tỷ lệ cao (trên 120%). VNPT đã triển khai cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, đóng góp cho lưu lượng IPv6 Việt Nam với 4 triệu thuê bao cáp quang FTTH sử dụng IPv6; 3 triệu thuê bao di động VinaPhone ứng dụng IPv6. Ngoài ra, căn cứ theo lưu lượng, Tập đoàn VNPT chiếm 35,23%.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đánh giá, các chỉ số ứng dụng IPv6 ấn tượng của Việt Nam có sự đóng góp hiệu quả của các doanh nghiệp. Trong đó nổi bật là Tập đoàn VNPT. Các nhà cung cấp này không chỉ sẵn sàng chuyển đổi IPv6 cho mảng hạ tầng, dịch vụ của mình, mà còn triển khai cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, đóng góp cho lưu lượng IPv6 Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Bộ sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước triển khai IPv6. Trong đó, các đơn vị thuộc Bộ như Cục Tin học hóa phối hợp với VNNIC đưa yêu cầu hỗ trợ IPv6 cho cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Đồng thời, yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong khung kiến trúc chính phủ điện tử. Cục Bưu điện trung ương chủ trì triển khai IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng. Các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, ứng dụng IPv6 trong các công nghệ mới như 5G, IoT (internet kết nối vạn vật)...
Về hướng triển khai ứng dụng IPv6, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, với thế mạnh về hạ tầng dịch vụ, VNPT triển khai IPv6 cho hạ tầng chính phủ điện tử, y tế điện tử. Hiện nay, VNPT đã triển khai hạ tầng dịch vụ "một cửa" điện tử VNPT-iGate cho 36/63 tỉnh, thành phố; dịch vụ văn bản điện tử VNPT-eOffice cho 59/63 tỉnh, thành phố. Các dịch vụ hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia, dịch vụ y tế điện tử triển khai rộng rãi khắp các bệnh viện tại các địa phương trong cả nước cũng đều ứng dụng trên nền IPv6.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.