(HNMO) - Hơn một năm triển khai hợp tác chiến lược về viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT) giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Nghệ An, VNPT đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp Nghệ An ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực. Trong số đó, ngành y tế Nghệ An được coi là điểm sáng về ứng dụng CNTT vào khám chữa bệnh, giúp người dân hết cảnh “ăn chực, nằm chờ”, còn đội ngũ y bác sỹ nâng cao hiệu quả phục vụ…
Hơn một năm triển khai hợp tác chiến lược về viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT) giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Nghệ An, VNPT đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp Nghệ An ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực. Trong số đó, ngành y tế Nghệ An được coi là điểm sáng về ứng dụng CNTT vào khám chữa bệnh, giúp người dân hết cảnh “ăn chực, nằm chờ”, còn đội ngũ y bác sỹ nâng cao hiệu quả phục vụ…
Chất lượng mạng lưới phải đi đầu
Với phương châm chất lượng dịch vụ là số 1, Tập đoàn VNPT đã đầu tư mạnh xây dựng hạ tầng mạng lưới trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự kiến đến hết năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An sẽ có hơn 1.300 trạm BTS 2G, 3G hoạt động, đạt mục tiêu phủ sóng đến 90% diện tích và phủ ven biển cách bờ khoảng 70-80km. Mạng băng rộng cố định có chiều dài khoảng 15.000km, đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập cáp quang cho hầu hểt các khu dân cư của tỉnh. Đây là cơ sở để VNPT xây dựng, triển khai các chương trình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, với lĩnh vực giáo dục, VNPT đã triển khai chương trình quản lý giáo dục VnEdu tới 1.409/1.491 trường, đạt tỷ lệ 95% các trường học trên địa bàn ứng dụng CNTT về quản lý nhà trường, đáp ứng yêu cầu tin học hoá trong quản lý cho ngành giáo dục. Tại lĩnh vực kê khai bảo hiểm xã hội (BHXH) qua mạng, đến hết năm 2015, đã có gần 1.500 đơn vị, cơ quan trong tỉnh đã sử dụng cổng bảo hiểm xã hội điện tử (VNPT I-VAN) để kê khai BHXH. Lĩnh vực kê khai thuế, VNPT cung cấp dịch vụ chứng thực khai báo thuế qua mạng cho trên 3.500 DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chiếm hơn 40% thị phần. Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT cung đã cung cấp giải pháp hội nghị trực tuyến từ UBND tỉnh đến các UBND huyện, thị, thành phố...
VNPT đã đầu tư xây dựng để sẵn sàng cung cấp các dịch vụ CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử của Nghệ An. Trong đó, VNPT đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; cung cấp các thiết bị bảo mật cho các sở, ngành, UBND cấp huyện; lắp đặt máy chủ phục vụ hoạt động của cổng thông tin, hệ thống email của tỉnh Nghệ An. VNPT cũng thực hiện cung câp hệ thống máy chủ, tên miền, dịch vụ webhosting cho UBND huyện thị, các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí của tỉnh; Phối hợp triển khai và đưa vào sử dụng chính thức mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối đến các sở, ban, ngành tỉnh và 21 huyện, thị, thành và 463 xã, phường…
Đánh giá cao sự nỗ lực của Tập đoàn VNPT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết: “VNPT đã đầu tư đúng định hướng nhiều dự án, lĩnh vực như y tế điện tử, giáo dục điện tử...để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác giữa hai bên. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất đề nghị VNPT tiếp tục hỗ trợ, đầu tư và phát triển VT-CNTT trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2014-2020; trong đó đẩy nhanh tiến độ triển khai chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Cải cách” với ngành Y tế
Tại không ít bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tình trạng bệnh nhận phải chờ trực đến lượt khám bệnh…mà nguyên nhân bắt nguồn từ thủ tục hành chính rườm rà. Khắc phục tình trạng này, VNPT đưa phần mềm quản lý bệnh viện qua mạng (VNPT-HIS) sử dụng trong các khâu khám chữa bệnh, quản lý bệnh án và thanh toán bảo hiểm y tế. Phần mềm VNPT-HIS cho phép quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, xuyên suốt toàn hệ thống, giúp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt việc quản lý hồ sơ bệnh nhân nội trú, ngoại trú, thông tin BHYT, viện phí, sử dụng thuốc, đồng thời thực hiện nhanh chóng việc giúp báo cáo, lưu trữ kịp thời, lâu dài, chính xác và thuận tiện khi tra cứu thông tin. Hệ thống này có thể kế thừa dữ liệu bệnh án của bệnh nhân giúp quá trình khám, điều trị cho người bệnh được hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí cho người bệnh và tránh thất thoát. Đến nay phần mềm này đã được triển khai tại 450 cơ sở y tế (từ tuyến tỉnh, đến cơ sở y tế tuyến xã), chiếm 90% tổng số cơ sở y tế toàn tỉnh Nghệ An sử dụng phần mềm này. Đáng chú ý, Nghệ An là một trong ba tỉnh cùng với Ninh Bình và Tiền Giang, thử nghiệm VNPT-HIS sớm nhất.
Tại cuộc họp sơ kết hợp tác giữa Sở Y tế với VNPT Nghệ An vừa được tổ chức ngày 6-5 vừa qua, Sở Y tế Nghệ An cho biết, đã có hơn 250.000 lượt hồ sơ khám chữa bệnh được nhập vào VNPT-HIS, trung bình mỗi ngày có hơn 8.000 lượt khám chữa bệnh được cập nhật vào hệ thống... Để tiếp tục triển khai hợp tác, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Bùi Đình Long đề xuất, VNPT đảm bảo các yếu tố hạ tầng kỹ thuật để kết nối từ trạm y tế xã, phường lên bệnh viện tuyến huyện, lên Sở Y tế và kết nối sang BHXH. Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cũng đề nghị VNPT gấp rút hoàn thiện VNPT-HIS trước ngày 31-10-2016 với các yêu cầu đặc thù để phục vụ yêu cầu quản lý toàn diện của các cơ sở y tế ở 3 tuyến tỉnh, huyện, xã...
Với những tiện ích đem lại, VNPT-HIS đã được 40/63 tỉnh, thành phố đã triển khai. Cho thấy, phần mềm này đã cơ bản đáp ứng hiệu quả tiêu chí quản lý 3B (Bệnh nhân, Bệnh viện và Bộ/BHXH ) đối với ngành Y tế. Được biết, Tập đoàn VNPT dự kiến sẽ phát triển phần mềm VNPT-HIS không chỉ là ứng dụng CNTT trong quản lý mà còn là cơ sở để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu y tế quốc gia về khám chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.