(HNMO) - Đó là một trong những biện pháp do Bộ Công thương dự kiến thực hiện trong chương trình tiết kiệm năng lượng. Từ nay đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu tiết kiệm 10% điện sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng.
Theo đó, về thực hiện tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng, Bộ Công thương cho biết, hiện Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact giai đoạn 2007-2010 đã thành công ngoài mong đợi. Chỉ tính riêng năm 2010, các nhà sản xuất trong nước (Rạng Đông, Điện Quang, Philip) đã tiêu thụ tại thị trường nội địa hơn 46 triệu bóng đèn compact các loại. Theo lộ trình, đến năm 2013 sẽ cấm sản xuất và tiêu thụ bóng đèn tròn sợi đốt.
Thay đổi bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn tiết kiệm điện. Ảnh: Internet |
Chương trình quảng bá bình nước nóng năng lượng mặt trời cũng đang triển khai rộng khắp cho các nhóm đối tượng là hộ gia đình và quy mô công nghiệp. Mục tiêu năm 2011, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tiếp tục hỗ trợ lắp đặt thí điểm thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô gia đình tại 3 miền với số lượng hơn 1.800 giàn. Bên cạnh đó chương trình cũng tăng cường thực hiện thí điểm thúc đẩy lắp đặt bình nước bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp cho các đối tượng khách sạn, tập thể nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời quy mô lớn.
Thực tế, để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân ở mức cao nhất, ngay từ đầu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện số 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011; Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 0152/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2011 làm cơ sở pháp lý cho điều hành cung ứng điện cho 6 tháng mùa khô năm 2011. Bên cạnh đó, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành cùng với Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính Phủ chính là những văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để triển khai hoạt động sử dụng năng lượng nói chung và sử dụng điện nói riêng.
Theo Văn phòng tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện, thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện, phê duyệt kế hoạch cung cấp điện cũng như thành lập Ban Chỉ đạo điều hành cung ứng điện tại địa phương. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện lãng phí trong sử dụng điện, có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong thời gian qua, khối các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước đều đã xây dựng kế hoạch tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ. Hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều thực hiện nghiêm túc việc sử dụng điện tiết kiệm trong trụ sở cơ quan, các hệ thống chiếu sáng đã được dần dần thay thế bằng đèn compact và đèn huỳnh quang T8. EVN phấn đấu giảm tổn thất điện năng khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ trên 25% xuống dưới 15% vào năm 2011 và xuống dưới 10% vào năm 2015.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp được hưởng ưu đãi về Xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Họat động kiểm toán năng lượng cũng đang được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, các Tổng Công ty Điện lực của cả nước đã tiết kiệm đạt 667,38 triệu kWh, bằng 1,3% điện thương phẩm; (dự kiến năm 2011 sản lượng điện cả nước thiếu hụt khoảng 3 tỷ Kwh).
Bên cạnh những thành quả đạt được, Văn phòng tiết kiệm năng lượng cũng thừa nhận Chương trình tiết kiệm điện cũng còn các hạn chế như việc thực hiện còn mang tính hình thức ở khối thụ hưởng ngân sách Nhà nước hay vướng mắc trong quy chuẩn xây dựng đối với các tòa nhà thương mại. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiết kiệm điện được ban hành trong thời gian qua tuy có đề ra các nhiệm vụ, các lĩnh vực tiết kiệm điện nhưng mới chỉ mang tính khuyến khích, khuyến nghị thực hiện, thiếu chế tài ràng buộc chặt chẽ cũng như biện pháp sử lý các trường hợp vi phạm.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; kiện toàn bộ máy tổ chức, nguồn lực từ Trung ương đến địa phương đồng thời cần thắt chặt hơn nữa sự phối kết hợp giữa các Bộ ngành, tập đoàn kinh tế và đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.