(HNMO) - Giảm nhẹ trong phiên buổi sáng nhưng đến chiều, dường như thông tin giá xăng, dầu tăng không còn ảnh hưởng đến thị trường, nhà đầu tư mua vào nhiều hơn giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm.
Thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm với các thông tin tốt-xấu. Mỗi khi đón nhận thông tin tốt, thị trường lập tức tăng và ngược lại. Về giá xăng, dầu tăng, thực ra, thông tin giá xăng, dầu tăng đã được dự đoán và phản ánh đáng kể vào thị trường, đặc biệt, phiên chiều qua, thị trường chính thức đón nhận thông tin này. Vì thế, đến sáng nay, thông tin xăng, dầu tăng giá, trong đó giá xăng tăng đến hơn 1.600 đồng mỗi lít không còn tác động mạnh nữa. Giá xăng, dầu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên, khiến doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn.
Phần lớn cổ phiếu giảm giá (ảnh chụp bảng giao dịch điện tử sàn TP HCM) |
Ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên, bán ra đã là lựa chọn chính của nhà đầu tư, vì thế VN-Index giảm 0,65 điểm, xuống 585,89 điểm. Sau đó, thị trường diễn biến theo xu hướng giảm là chủ yếu. Tuy nhiên, lực bán không quá mạnh nên mức giảm của thị trường không lớn. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index giảm 0,33 điểm, tương ứng 0,06%, còn 586,21 điểm; VN30-Index còn 618,31 điểm, hạ 0,96 điểm (-0,16%).
Số cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo so với tăng giá. Toàn thị trường có 74 mã tăng, 111 mã giảm. Đi ngược với xu hướng thị trường, một số cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và nhỏ tăng hết biên độ cho phép như: CMG, DCT, DVP, HAS, KHA, STT,VNI, VTB.
Điều đáng nói là thanh khoản của thị trường ở mức thấp. Tổng cộng có 42 triệu cổ phiếu, tương ứng 700 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công; trong đó chỉ riêng giao dịch tại FLC đã chiếm tới gần 15% thị trường, đạt xấp xỉ 6 triệu cổ phiếu; còn lại các mã chỉ đạt giao dịch chưa đầy 2 triệu cổ phiếu.
Hiện tại không có nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường rõ rệt, vì vậy, dự báo khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh thêm là hoàn toàn có thể. Dù vậy nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu giá rẻ là chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại.
Trên sàn Hà Nội, giao dịch cũng rất thấp với ngót 20 triệu cổ phiếu và 280 tỷ đồng. Với sức cầu yếu, các chỉ số chính tại đây đều giảm điểm: HNX-Index hạ 0,5 điểm, xuống 85,51 điểm; HNX30-Index còn 164,48 điểm sau khi giảm 0,83 điểm; HNX30TRI-Index hạ 0,95 điểm, xuống 187,44 điểm; LARGE-Index về 124,8 điểm, giảm 0,92 điểm...
Chốt phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index tăng 2,1 điểm, tương ứng 0,36%, lên 588,64 điểm; VN30-Index đạt 620,24 điểm sau khi cộng 0,97 điểm.
Sức cầu-cung chênh lệch được thể hiện rõ ở số cổ phiếu tăng-giảm giá. Toàn thị trường có 110 mã đi lên, 85 mã đi xuống, khác hẳn với phiên sáng.
Đáng chú ý là nhiều mã cổ phiếu có mức vốn hóa lớn được nhà đầu tư mua vào nên tăng giá đáng kể. Đó là VNM, VIC, MSN, BVH...
Thị trường không có sự phân hóa theo nhóm ngành mà ở mỗi ngành cổ phiếu có sự tăng giảm đan xen. Chẳng hạn, tại nhóm dầu khí, GAS, PTL, PXL, PXT giữ giá; PVD, PXI, PXS giảm giá; PVT tăng giá. Ở nhóm ngân hàng, BID, CTG cùng tăng 100 đồng/cổ phiếu, VCB tăng 300 đồng, EIB, STB MBB giữ giá tham chiếu...
Thanh khoản của thị trường tiếp tục thấp với tổng cộng gần 83 triệu cổ phiếu và hơn 1.400 tỷ đồng được chuyển nhượng. Điều đáng nói, trong số trên thì FLC đã chiếm đến 16% giao dịch của thị trường khi có hơn 13 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, các chỉ số tăng-giảm đan xen: HNX-Index hạ 0,14 điểm, còn 85,87 điểm; HNX30-Index nhích 0,03 điểm, lên 165,34 điểm; HNX30TRI-Index đạt 188,42 điểm, cộng 0,03 điểm; LARGE-Index hạ 0,41 điểm, xuống 125,31 điểm...
Toàn thị trường có 30,424 triệu cổ phiếu và 439,058 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.