(HNMO) - Nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra khiến Vn-Index giảm thêm gần 4 điểm, mất mốc 460 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (25/3). Không những thế, thanh khoản của thị trường tiếp tục ở mức thấp với giá trị giao dịch chưa đầy 600 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm qua, Vn-Index giảm điểm phần nào ảnh hưởng từ chỉ số CPI trong tháng 3 vừa được công bố tăng 2,17%, mức cao nhất trong 25 tháng vừa qua. Điều này tạo tâm lý xấu cho các nhà đầu tư giải ngân vào thị trường khi khả năng cao dòng tiền sẽ được Chính phủ tiếp tục siết chặt trong các tháng tiếp theo.
Ở phiên giao dịch hôm nay, thông tin trên phần nào vẫn còn ảnh hưởng, cộng với thị trường không có thông tin hỗ trợ, rồi tính thanh khoản liên tục giảm và ở mức thấp trong những phiên vừa qua đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Chính vì vậy, bán ra là lựa chọn của nhiều người trong phiên này.
Trong tuần này, thanh khoản tại sàn Tp.HCM liên tục giảm. Ảnh minh họa |
Cả 3 đợt khớp lệnh, Vn-Index đều giảm điểm và giảm mạnh dần qua từng đợt. Cụ thể, nếu như đợt khớp lệnh đầu tiên chỉ số chung hạ nhẹ 0,11 điểm (-0,02%), còn 461,21 điểm thì đợt khớp lệnh liên tục mất mất 460 điểm khi hạ 1,42 điểm (-0,31%), còn 459,9 điểm. Đóng cửa thị trường Vn-Index giảm 3,58 điểm, tương đương 0,78%, xuống mức 457,74 điểm. Như vậy trong tuần này, Vn-Index có 3 phiên giảm điểm, 2 phiên tăng điểm. Tuy nhiên, điều đang lo ngại là tính thanh khoản liên tục sụt giảm theo từng phiên.
Hôm nay, cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với 124 mã đi xuống, 83 mã đi lên. Trong nhóm cổ phiếu blue-chips, số mã tăng-giảm giá chênh nhanh không quá nhiều: BVH, DPM, FPT, HAG, KDC, MSN, OGC, PPC, PVF, REE, SAM, SJS, SSI, VIC giảm 100-2.000 đồng/cổ phiếu. Ở phía bên kia, CTG tăng 300 đồng/cổ phiếu; DXG ghi 500 đồng/cổ phiếu; GMD, HPG, STB cùng tăng 200 đồng/cổ phiếu; KBC ghi 700 đồng/cổ phiếu; VPL và VCB tăng lần lượt 1.000 đồng/cổ phiếu và 100 đồng/cổ phiếu. DIG, ITA, VNM giữ giá tham chiếu.
Nhà đầu tư chọn giải pháp đứng ngoài thị trường để chờ đợi những thông tin tích cực khiến khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Toàn thị trường chỉ có 28,175 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 576,282 tỷ đồng.
Theo nhận định, mặc dù hiện tại, dòng tiền sử dụng đòn bẩy không nhiều, nhưng lãi suất cao sẽ kéo dài thêm thời gian ảm đạm của thị trường chung khiến xu hướng củng cố có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, tại sàn Hà Nội, HNX-Index còn 92,82 điểm khi kết thúc phiên cuối tuần, giảm 0,46 điểm (-0,49%). Khối lượng giao dịch cao hơn sàn Tp.HCM khá nhiều, đạt 37,521 triệu đơn vị, giá trị là 574,881 tỷ đồng.
Trái ngược với hai sàn chính thức, đóng cửa phiên buổi sáng tại sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,28 điểm (+0,74%), đạt 38,21 điểm. Khối lượng giao dịch tương đối cao với 468.100 cổ phiếu, giá trị chuyển nhượng xấp xỉ 3 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.