Vấn đề quản lý đất đai bằng công nghệ hiện đại ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Đáp ứng yêu cầu đó, Dự án "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam" (tiếng Anh là Vietnam Land Administration Project - viết tắt VLAP) đã kịp thời được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Mục tiêu hướng tới của VLAP là: Tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các địa phương. VLAP được xây dựng trên cơ sở công khai, minh bạch, chính xác, đầy đủ, kịp thời về đăng ký đất đai, thông tin đất đai (bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính), chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường kiêm Giám đốc Ban QLDA VLAP Hà Nội trao giấy QSDĐ cho nhân dân xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. |
Tổng quan về VLAP
Được triển khai tại 9 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Dự án VLAP tiến hành trong thời gian 5 năm, kể từ 17- 9- 2008 đến hết tháng 12- 2013, với tổng mức đầu tư là 100.000.000 USD (một trăm triệu đô la Mỹ). Trong đó, vốn IDA- Ngân hàng Thế giới là 75 triệu đô la Mỹ; vốn đối ứng - từ ngân sách trung ương và ngân sách các tỉnh, TP tham gia Dự án là 25 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại cho Dự án sẽ được xác định trong quá trình thực hiện.
Kết thúc Dự án, các tỉnh được lựa chọn tham gia sẽ đạt các chỉ tiêu cụ thể. Thứ nhất, hệ thống hồ sơ địa chính được xây dựng với công nghệ thông tin đất đai hiện đại (cơ sở dữ liệu đất đai minh bạch, chính xác, đầy đủ, kịp thời), hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Thứ hai, từng bước đáp ứng yêu cầu chỉnh lý và đăng ký biến động về đất đai phục vụ nhu cầu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trên cơ sở người sử dụng đất tự giác thực hiện đăng ký để được Nhà nước bảo vệ các quyền lợi mà người sử dụng đất được hưởng theo quy định của pháp luật. Thứ ba, hệ thống dịch vụ quản lý đất đai (các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) được nâng cấp trên cơ sở đào tạo nâng cao trình độ, trang thiết bị cho các cán bộ quản lý, hiện đại hóa công nghệ quản lý (tin học hóa hệ thống quản lý), chuẩn hóa quy trình quản lý (hoàn chỉnh thủ tục cải cách hành chính), đề xuất việc điều chỉnh các quy định pháp luật về đăng ký đất đai.
Dự án VLAP được thiết kế gồm 3 hợp phần với các đầu ra cụ thể như sau:
Hợp phần 1- Hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai. Hợp phần này cơ bản nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống quản lý đất đai ở tất cả 9 tỉnh nhằm bảo đảm các thửa đất và các chủ sử dụng đất được đăng ký trong hệ thống và thông tin thường xuyên được cập nhật đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chính xác nhất, mới nhất cho mọi đối tượng có nhu cầu. Đầu ra: là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, các thông tin dữ liệu về bản đồ và hồ sơ địa chính và các kết quả nghiên cứu chính sách cần thiết phục vụ cho công tác quản lý đất đai.
Nội dung cụ thể gồm: Cập nhật và hoàn thành toàn bộ việc lập bản đồ địa chính thể hiện ở tất cả các thửa đất. Cập nhật và hoàn thành hồ sơ đăng ký đất đai; Tiếp tục phát triển và thực hiện hệ thống quản lý hồ sơ địa chính dạng số thông qua việc áp dụng và phát triển công nghẹ tin học (ICT) để lưu trữ, tiếp cận và cập nhật thông tin về đăng ký đất đai và sử dụng đất; Nghiên cứu chính sách để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp nhằm phát triển kết quả đầu tư của dự án.
Hợp phần 2 - Tăng cường cung cấp dịch vụ đăng ký đất đai. Hỗ trợ tăng cường cung cấp dịch vụ của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; cung cấp khả năng tiếp cận thông tin đất đai đối với mọi đối tượng sử dụng đất bằng cả phương tiện truyền thống và phương tiện hiện đại thông qua Internet; thực hiện chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với đăng ký đất đai và sử dụng thông tin đất đai, có sự tham gia của những người liên quan trong quá trình thành lập và cập nhật hồ sơ địa chính. Kết quả là các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện được nâng cấp về cơ sở vật chất và năng lực cán bộ, tổ chức các điểm để tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận thông tin đất đai và nhận thức cộng đồng được nâng cao để tự giác thực hiện và đăng ký khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ.
Nội dung cụ thể: Nâng cấp các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; Tiếp cận thông tin đất đai; Thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Hợp phần 3- Hỗ trợ quản lý Dự án và theo dõi giám sát Dự án. Xây dựng hệ thống quản lý hiện đại cho thực hiện dự án, theo dõi đầu vào, đánh giá chất lượng các kết quả của dự án, đánh giá hiệu quả các hoạt động của dự án và lựa chọn biện pháp phù hợp để duy trì hiệu quả của dự án. Mục tiêu là áp dụng công cụ để quản lý dự án gồm hệ thống thông tin quản lý, hệ thống giám sát và đánh giá kết quả thực hiện dự án.
Nội dung cụ thể gồm: Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý dự án hiện đại; Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá kết quả dự án.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Cơ quan chủ quản dự án, thì Dự án VLAP có tổng khối lượng công việc lớn, trải rộng trên 9 tỉnh thành phố trong cùng một thời gian. Vì vậy, việc xác định tổng thời gian thực hiện được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở mục tiêu, nội dung, khối lượng công việc cần hoàn thành trong dự án và nguồn nhân lực có thể tham gia thực hiện dự án. Lịch trình cụ thể triển khai các hoạt động của dự án đã được xem xét kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, phù hợp với điều kiện năng lực, nguồn nhân lực cụ thể của từng địa phương. Lịch trình thực hiện dự án cũng được xem xét sao cho phù hợp về thời gian với các hoạt động chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố xã hội như đo đạc lập bản đồ, kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ.
Trên cơ sở phân tích năng lực của các đơn vị có khả năng được tham gia thực hiện Dự án cũng như lượng hoá tất cả các hoạt động của dự án, có thể khẳng định rằng với tổng thời gian 5 năm, dự án VLAP sẽ hoàn thành được các nội dung hoạt động đã đặt ra. Các hoạt động của dự án ở các cấp trung ương và địa phương đều được lên kế hoạch về thời gian một cách chi tiết. Tất cả các hoạt động này đều được thể hiện trong kế hoạch 5 năm (2008-2013) và kế hoạch chi tiết 18 tháng đầu tiên và sau đó là kế hoạch hằng năm.
Cùng với kế hoạch đã lập, việc thiết lập một hệ thống theo dõi và đánh giá (M&E) với các công cụ hiện đại được áp dụng thống nhất cho toàn dự án nhằm theo dõi và quản lý tốt tiến độ thực hiện của dự án. Lịch trình thực hiện dự án cụ thể hàng năm sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc tránh chồng chéo giữa các hoạt động, xếp thứ tự ưu tiên cho các hoạt động, sắp xếp đan xen các hoạt động cùng loại giữa các địa bàn khác nhau trong cùng một tỉnh. Chẳng hạn như trong cùng một thời điểm, một hoạt động chuyên dụng chỉ có thể diễn ra tại một huyện hoặc một số huyện (vì nguồn lực thực hiện có hạn) nhưng các hoạt động phổ cập lại cần được triển khai đồng thời ở tất cả các huyện để đảm bảo sự đồng nhất và tính hiệu quả (vì nguồn lực thực hiện có đủ ở tất cả các huyện).
Toàn bộ các nội dung hoạt động của dự án, (khoảng 90 hoạt động chi tiết của các hợp phần), được liệt kê đầy đủ và được chi tiết hoá theo phân cấp hành chính (hoạt động nào ở cấp Trung ương, hoạt động nào ở địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Các hoạt động như vậy được liệt kê cụ thể nhằm mục đích đảm bảo cho các hoạt động của dự án phải đầy đủ, thể hiện toàn bộ mục đích của Dự án từ đo đạc bản đồ, kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất. Các hoạt động về đào tạo được thu xếp nhằm nâng cấp một bước về nghiệp vụ cho các cán bộ địa phương tham gia dự án, đặc biệt là khoảng 1.700 cán bộ địa chính cấp xã. Ngoài ra, hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai như một nhu cầu thiết yếu đảm bảo tính hiệu quả của dự án và để duy trì việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai sau khi kết thúc việc đo đạc lập bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Từ hoạt động này với những nhận thức đã được tuyên truyền, mọi người dân có trách nhiệm hơn trong việc đăng ký thực hiện các quyền trong mọi giao dịch về quyền sử dụng đất.
Bộ TN&MT khẳng định, VLAP là một dự án lớn, sử dụng vốn vay ưu đãi của WB, do vậy công tác quản lý dự án, theo dõi và đánh giá dự án được coi là một nhiệm vụ rất quan trọng. Đặc biệt, dự án có xây dựng cơ chế cho hoạt động đánh giá độc lập nhằm đảm bảo các nội dung, kết quả hoạt động của dự án đều được đánh giá chất lượng, giám sát thực hiện một cách khách quan.
Hà Nội tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về VLAP
Tại Thủ đô Hà Nội, Dự án VLAP được thực hiện ở 10 quận huyện, gồm: Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì, Hoài Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiêm Giám đốc BQL Dự án VLAP Hà Nội cho biết: Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của dự án, sự tham gia của người dân vào các bước công việc của dự án VLAP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của dự án. Vai trò và trách nhiệm của người sử dụng đất được nâng cao, từng bước đưa pháp luật đất đai vào đời sống xã hội một cách hiệu quả.
Kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân (viết tắt là PACP) sẽ là cơ sở để Ban Quản lý dự án VLAP Hà Nội từng bước triển khai hiệu quả VLAP và tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động của dự án. Mục đích của PACP chính là cơ sở để Ban quản lý Dự án VLAP Hà Nội xây dựng tài liệu hướng dẫn và chỉ đạo triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng sao cho phù hợp đối với địa bàn triển khai; bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, bảo đảm niềm tin của người dân cũng như nâng cao trách nhiệm và khuyến khích sự tham gia của họ trong quá trình khảo sát xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. PACP còn cung cấp và tuyên truyền cho người sử dụng đất hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật.
Điều quan trọng của PACP khi triển khai ở các huyện nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng tham gia dự án trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai; Tăng cường sự tham gia của người sử dụng đất, cộng đồng dân cư trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp GCN và tiếp cận thông tin cũng như phản hồi các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; Tăng cường sự tham gia, giám sát của các đối tượng trong quá trình thực hiện dự án.
Hoạt động của PACP bao gồm: Truyền thông trực tiếp: Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị, buổi nói chuyện, tham vấn... tại cộng đồng để giới thiệu về dự án và lấy ý kiến của người dân về các công việc triển khai tại địa phương; đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, đưa nội dung truyền thông của dự án VLAP lên trang Web của Ủy ban nhân dân tỉnh và/hoặc trang Web của Sở Tài nguyên và Môi trường TP; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; biên tập, phát hành các tài liệu, tờ rơi.
Kế hoạch PACP sẽ giúp người dân hiểu, tin tưởng vào hiệu quả mà dự án VLAP mang lại: Dự án VLAP triển khai đo đạc và cấp mới, cấp đổi GCN và hoàn thành hồ sơ địa chính dạng số hướng đến quản lý đất đai hiện đại. Công tác đo đạc, lập bản đồ diễn ra chính xác và hiệu quả. Đối với việc đăng ký đất đai, VLAP cho phép một quy trình đơn giản, nhanh gọn để cấp GCN với số lượng lớn mà vẫn nhanh và an toàn. Đối với việc công bố thông tin, UBND xã đăng thông báo công khai danh sách những người được cấp GCN do cơ quan Tài nguyên- Môi trường cung cấp. Chu kỳ đăng thông báo công khai hợp pháp là 15 ngày. Danh sách người sử dụng đất phải dễ tiếp cận. Một bản đồ thể hiện vị trí, kích thước, diện tích của thửa đất được đo đạc và cấp GCN trong VLAP với nội dung giải thích cũng được đăng ở điểm công cộng. Các chương trình nâng cao nhận thức và tham vấn cộng đồng cũng cần đề cập đến các quy định về thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi được cấp GCN. Làm cho người dân hiểu được “thuế là nguồn thu chủ yếu của quốc gia” và hoàn thành nghĩa vụ tài chính là trách nhiệm chủ yếu của người sử dụng đất.
Trong dự án VLAP, hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng cần nêu bật sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính và cấp GCN. Người sử dụng đất cần hiểu GCN là một văn bản pháp lý cho thấy mối liên hệ pháp lý giữa họ và nhà nước. GCN là một bảo đảm cho người sử dụng đất để yên tâm đầu tư trên đất của họ hoặc để thế chấp vay vốn cho công việc kinh doanh. Ngoài ra, dự án VLAP giúp người dân có cái nhìn đầy đủ và hướng dẫn các bước để thực hiện khi có giải quyết khiếu nại, thắc mắc liên quan đất đai cũng như trình tự giải quyết tranh chấp đất đai.
Sau khi dự án được triển khai, đối tượng hưởng lợi của dự án là người sử dụng đất, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng đất cũng như các hệ thống dịch vụ trong quản lý và sử dụng đất đai. Tất cả các thửa đất sẽ được đo đạc, cập nhật và chỉnh lý biến động theo phương pháp hiện đại có độ chính xác cao. Dựa trên kết quả bản đồ địa chính được đo vẽ hoặc chỉnh lý, người sử dụng đất sẽ được cấp mới hoặc cấp đổi GCN cho từng thửa đất với các thông tin được cập nhật mà không phải nộp các khoản lệ phí đo đạc, lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại GCN. Ngoài ra, người dân địa phương sẽ được tiếp cận với dịch vụ đăng ký đất đai theo một trình tự, thủ tục đơn giản, từ đó sẽ giảm bớt chi phí gián tiếp hoặc những chi phí không chính thức khác. Mỗi xã, huyện sẽ được đầu tư, cung cấp trang thiết bị kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai của cấp TP nhằm chia sẻ, cập nhật, cung cấp và trao đổi các thông tin về đất đai giữa các cơ quan quản lý và hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tiếp cận thông tin về đất đai.
Dự án xây dựng một cổng thông tin về đất đai để phục vụ cho việc cung cấp thông tin đất đai trên mạng một cách dễ dàng đơn giản. Dự án cũng xây dựng những tài liệu giới thiệu về pháp luật đất đai giúp cho mọi đối tượng có nhu cầu kể cả người ở những nơi vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số cũng có cơ hội hiểu biết và nắm rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng đất. Những nội dung khiếu nại, tranh chấp đất đai ở cơ sở được UBND các cấp giải quyết trong quá trình thực hiện dự án VLAP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.