Ngày 26 và 27-7 tới đây, tại Hà Nội, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup - VINIF sẽ tổ chức Hội thảo ghi dấu 5 năm hoạt động.
Chương trình nhằm nhìn lại chặng đường triển khai các chương trình tài trợ cũng như thảo luận, định hướng phát triển cho VINIF. Đặc biệt, sự kiện còn là nơi các nhà khoa học cùng kết nối, hướng tới nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, hợp tác để đưa các sản phẩm, công nghệ ra thị trường.
Quyết liệt và bài bản
5 năm trước (tháng 8-2018), Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) ra đời, là quỹ tư nhân đầu tiên có ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận vì sự phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam. Câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là: “Cần làm gì để xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học tích cực, tạo điều kiện tối đa giúp các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, thỏa sức sáng tạo, dành trọn tâm huyết thực hiện những công trình đột phá?”.
Đề cao hành động thực chất, nhanh chóng và hiệu quả, chỉ hơn 4 tháng sau khi ra đời, VINIF đã triển khai ngay chương trình tài trợ Dự án khoa học công nghệ. Sau đó, hàng loạt chương trình tài trợ khác được thực hiện, như: Trao học bổng cho đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ưu tú trong nước; hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu; hỗ trợ tổ chức bài giảng đại chúng và hội thảo khoa học uy tín quốc tế; cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Cùng với khía cạnh tài chính, VINIF còn chú trọng vào sự hỗ trợ toàn diện, hiệu quả và bền vững. Theo đó, trong suốt quá trình nghiên cứu, VINIF đồng hành cùng đội ngũ thực hiện trong việc tiếp cận nguồn lực khoa học, kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn từ hệ sinh thái Vingroup. Đặc biệt, một số dự án khoa học định hướng ứng dụng cũng được VINIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai các sản phẩm, giải pháp thực tiễn.
Mục tiêu của VINIF là chung tay thay đổi môi trường, tác phong nghiên cứu tại Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, gắn kết nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
Quả ngọt từ những nỗ lực bền bỉ
Không chỉ tập trung thu hút người tài, tìm kiếm những dự án khoa học giàu tiềm năng, suốt 5 năm qua, VINIF còn nỗ lực hoàn thiện phương thức vận hành, tối ưu hóa quy trình tài trợ, đảm bảo tối đa chất lượng đầu ra của các nghiên cứu. Cách làm của VINIF tương tự như các tổ chức uy tín nước ngoài như Quỹ Humboldt (Đức), Sloan hay Fulbright (Mỹ) và Simons (Canada), đồng thời, có những thay đổi phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo kinh phí tài trợ được sử dụng hiệu quả, tới đúng người và đúng mục đích.
Quan trọng hơn hết, theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VINIF: “Quỹ không chỉ hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ về mặt tài chính mà còn tạo tiền đề khuyến khích họ đi sâu làm nghiên cứu thực chất, trung thực và văn minh”. Giáo sư cho biết thêm, điều này được thể hiện qua quá trình xét duyệt nhanh gọn và minh bạch, đồng thời, VINIF không chấp nhận các bài báo được đăng trên những tạp chí chất lượng thấp trong quá trình nghiệm thu.
Sau 5 năm, tổng cộng gần 800 tỷ đồng đã được Quỹ tài trợ cho 7 chương trình, với hơn 100 dự án khoa học công nghệ; 6 đề án đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu; hơn 1.100 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 90 suất học bổng sau tiến sĩ; 8 dự án cùng 30 sự kiện văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó, trên 130 hội thảo khoa học uy tín và bài giảng đại chúng đã được thực hiện với sự tham gia của đội ngũ giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế, tiếp cận tới hàng triệu người, từ đó lan tỏa tri thức và niềm đam mê khoa học trong cộng đồng.
Đặc biệt, quả ngọt mà VINIF nỗ lực tạo dựng chính là một hệ sinh thái nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng - kết nối chia sẻ tri thức khoa học. Trong thời đại của khoa học liên ngành, chính hệ sinh thái này, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học - trường đại học - viện nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ góp phần tạo bệ phóng vững chắc để khoa học Việt Nam tiến xa.
Trong 2 ngày 26 và 27-7 tới đây, VINIF sẽ tổ chức 2 tọa đàm: Tọa đàm “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ” và Tọa đàm “Cơ hội, thách thức, giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ” với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia và các nhà khoa học uy tín hàng đầu Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.