Xã hội

Luồng gió mới VINIF

Thu Hằng 02/10/2023 - 06:29

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế, các cơ chế, chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, sự ra đời và phát triển của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã thổi một luồng gió mới vào môi trường nghiên cứu khoa học còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

quy-vin.jpg
Lãnh đạo Quỹ VINIF trong Lễ công bố học bổng thạc sĩ, tiến sĩ.

Rào cản chính trong nghiên cứu khoa học

Theo các nhà khoa học, có 3 rào cản chính trong cơ chế nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, đó là cơ chế xét duyệt đề tài, cơ chế triển khai nghiên cứu và cơ chế về thủ tục tài chính. Trong đó, khó nhất và được coi là rào cản lớn nhất vẫn là thủ tục tài chính.

Do hệ thống tài chính hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam vẫn hoạt động theo cơ chế của thời bao cấp nên mới có tình trạng “chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”. PGS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) chia sẻ, hiện nay VKIST thực hiện đề tài theo 2 nguồn: Một nguồn bằng ngân sách nhà nước và một nguồn bằng tiền tự chủ của VKIST. “Cùng song song thực hiện 2 đề tài thì các đề tài thực hiện từ nguồn tiền tự chủ rất nhanh, tiến độ nhanh gấp 5 lần so với nguồn ngân sách. Các chủ nhiệm đề tài hầu như không tham gia bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hóa đơn, chứng từ, đấu thầu, thanh quyết toán nên giải phóng công sức rất nhiều. Mặt khác, là viện nghiên cứu ứng dụng nên khi VKIST thực hiện chuyển giao công nghệ thì những đề tài thực hiện từ nguồn ngân sách đang cực kỳ vướng. Vướng trong định giá tài sản, định giá sản phẩm hình thành của đề tài. Nhiều kết quả đề tài có thể chuyển giao được nhưng nghiên cứu về cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật Việt Nam... thấy rất khó khăn để chuyển giao cho các doanh nghiệp”, PGS Vũ Đức Lợi thông tin thêm.

Thực tế, đây là câu chuyện đã được đề cập nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để, tạo ra những khó khăn không đáng có với nhiều nhà khoa học.

Một hình mẫu lý tưởng

Quỹ VINIF là quỹ tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với ngân sách cam kết hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF cho biết, VINIF tài trợ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của đất nước. Với mục tiêu hỗ trợ nhà khoa học trẻ thuộc các trường đại học, học viện thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, VINIF đã triển khai 7 chương trình tài trợ, từ cấp kinh phí cho dự án nghiên cứu, cấp học bổng thạc sĩ cho đến sau tiến sĩ, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, cho đến hội thảo, bài giảng đại chúng.

Để nhận được tài trợ, các dự án trải qua quá trình xét chọn, thẩm định khắt khe của hội đồng nhưng minh bạch và nhanh gọn. Chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì được giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và kết quả nghiên cứu.

Với cơ chế linh hoạt, thủ tục đơn giản, sau 5 năm vận hành, VINIF đã góp phần tạo dựng được một văn hóa làm nghiên cứu và phát triển mới tại Việt Nam. Nhà khoa học có nguồn lực để mua sắm trang thiết bị máy móc cần thiết, nhận mức thù lao xứng đáng và hoàn toàn tập trung vào việc nghiên cứu, hiện thực hóa ý tưởng và đưa kết quả nghiên cứu ra thế giới. Nhà khoa học trẻ cũng có cơ hội tham gia vào dự án để phát triển, tích lũy kinh nghiệm trong môi trường khoa học và có văn hóa nghiên cứu lành mạnh. Các chương trình của quỹ đã góp phần thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, tạo nên những ngành đào tạo mới cho đất nước như ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Khi được hỏi về những ưu điểm của VINIF, PGS.TS Lê Thanh Hà (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhiệm một dự án hỗ trợ bệnh nhân xơ cứng cột bên teo cơ ALS cho rằng, đó là “thủ tục hành chính nhanh gọn, được giảm hết mức có thể”.

PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng (Đại học Đà Nẵng), đồng chủ nhiệm dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” cho biết, sự cởi mở trong các quy định, thủ tục của VINIF đã giúp nhóm nghiên cứu của ông tự tin hơn và có điều kiện tiến hành các nghiên cứu đột phá với rủi ro cao mà không sợ thất bại. Đến nay, dự án của nhóm đã đạt được những thành công ngoài sức mong đợi: Công bố 6 bài báo tạp chí Q1, 1 bài hội thảo quốc tế đoạt giải Best Paper Award, 1 sáng chế được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ, 3 sáng chế được chấp nhận đơn và hỗ trợ đào tạo 3 nghiên cứu sinh.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét, phương thức hỗ trợ của VINIF cho các dự án nghiên cứu khoa học góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. Tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, các chương trình của VINIF với quy chế khoa học, bài bản và có hiệu quả thực tế là một ví dụ để các cơ quan nhà nước tham khảo. Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ hy vọng VINIFsẽ trở thành hình mẫu cho các đơn vị công lập, trường đại học để có thể phát triển các quỹ tài trợ khoa học trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luồng gió mới VINIF

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.