(HNM) - Hôm nay, ngày 20-11, hơn một triệu thầy, cô giáo trên cả nước kỷ niệm ngày lễ quan trọng của ngành mình trong niềm vinh dự bởi những thành quả đáng tự hào mà họ đã góp công đạt được trong năm học vừa qua. Ngày vui tràn ngập niềm vui trước sự quan tâm sâu sắc, thiết thực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho những người đang gánh vác sứ mệnh vẻ vang "trồng người".
Nêu gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo
Được phát động từ năm học 2007-2008, cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" là sự vận dụng sáng tạo, cụ thể Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Noi gương Bác, đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để mỗi giờ học trên lớp ngày càng thiết thực đối với HS. So với năm học 2008-2009, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn ở các cấp học đến nay đều tăng: ở cấp mầm non là 89,1% (tăng 2,9%), tiểu học 98,68% (tăng 1,36%), ở cấp THCS là 98,37% (tăng 1%), cấp THPT là 98% (tăng 0,6%). Lòng yêu nghề khích lệ các nhà giáo say mê nghiên cứu khoa học, tích lũy kinh nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học... Một trong những tấm gương điển hình vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong Đại hội Thi đua yêu nước của ngành GD-ĐT vào cuối tháng 10 vừa qua là PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (ĐH Nông nghiệp Hà Nội), người đã có công chọn tạo giống lúa tốt.
PGS - TS Nguyễn Thị Trâm với giống lúa TH3-3 do bà cùng đồng nghiệp nghiên cứu, lai tạo thành công, được bán bản quyền 10 tỷ đồng. |
Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, năm học 2009-2010 vừa qua còn ghi dấu bước chuyển rõ nét của đội ngũ nhà giáo trên lĩnh vực nêu cao tấm gương đạo đức, lấy lại lòng tin của xã hội trong việc thiết lập kỷ cương, nền nếp trong toàn ngành. Việc tổ chức coi thi, chấm thi, xếp loại, cho điểm HS đúng thực chất, kết quả thi được công bố công khai, góp phần làm cho đội ngũ nhà giáo nhìn nhận nghiêm túc hơn về kỷ cương trường thi và trách nhiệm của mình. Tình trạng thiếu trách nhiệm, tùy tiện, những biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, coi thi, chấm thi, tuyển sinh… đã được các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Số vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm từ 122 vụ (năm 2008) xuống còn 24 vụ (năm 2009) và trong năm 2010 là 12 vụ.
Ngày càng có nhiều nhà giáo biết chia sẻ, cảm thông với đồng nghiệp khó khăn. Tính trong 3 năm gần đây, đội ngũ này đã hỗ trợ 104 tỷ đồng để xây dựng gần 60.000m2 nhà ở, tương đương với gần 2.000 căn nhà công vụ cho đồng nghiệp vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới.
Nhằm nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, ngành GD-ĐT đã có nhiều phong trào, cuộc vận động mà đến nay đã rõ sức lan tỏa khắp các nhà trường như "Hai không", "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Trường học thân thiện, HS tích cực"… Ngành GD-ĐT cũng đã ban hành quy định về đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học… Những quy định này đã góp phần làm cho các thầy, cô giáo luôn tự giác tự rèn, trở thành gương sáng cho HS.
Những việc làm ấm lòng thầy, cô
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song so với yêu cầu nhiệm vụ thì đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn cần bổ sung thêm GV có trình độ và nhiệt huyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Để lấp đầy những chỗ trống trong nguồn nhân lực ngành GD-ĐT, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cần phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Đây là dịp để hệ thống các trường, khoa sư phạm - "cỗ máy cái" đào tạo đội ngũ người thầy - có dịp xốc lại mình sau hơn 50 năm hình thành và phát triển. Nghị quyết về việc phát triển các trường, khoa sư phạm tới năm 2015 với những lộ trình, giải pháp cụ thể đang được triển khai nhằm giúp cho "cỗ máy cái" trở thành đầu tàu về mọi mặt, trong đó có nhấn mạnh việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng tăng kiến thức, thời lượng thực hành. Việc tái thành lập Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục với chức năng quản lý đội ngũ, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cũng sẽ là "hậu phương" vững chắc để chăm lo đời sống cho các thầy, cô giáo, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Ghi nhận công lao và động viên, khuyến khích sự nỗ lực của các nhà giáo, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành GD-ĐT đã tặng thưởng các nhà giáo nhiều huân chương và danh hiệu cao quý; ban hành nhiều chế độ, chính sách để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thầy, cô giáo, trong đó có những quyết sách mang tính chiến lược như tăng mức đầu tư cho giáo dục; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ra nghị quyết về đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010 đến năm học 2014-2015... Cũng đã có nhiều văn bản quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp theo lương của nhà giáo được ban hành như chuyển xếp lương mới, hưởng lương theo trình độ đào tạo, trả lương dạy thêm giờ, chế độ ưu đãi cho người làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn… Chính sách luân chuyển cán bộ cũng được các địa phương thực hiện hiệu quả, xóa dần khoảng cách về điều kiện phát triển và chất lượng giáo dục ở các vùng, miền. Đời sống nhà giáo, nhất là với những người ở vùng khó khăn được quan tâm hơn, thể hiện ở sự vào cuộc tích cực của các cấp quản lý, chính quyền địa phương trong việc xây dựng gần 70.000m2 nhà ở công vụ theo đề án về kiên cố hóa trường, lớp.
Tôn vinh nghề dạy học và người dạy học, đã và sẽ có nhiều cơ chế, chính sách như thế ra đời nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến, rèn đức, luyện tài cho thế hệ trẻ. Niềm vinh dự vẻ vang, sự quan tâm, chăm lo thiết thực ấy đòi hỏi mỗi nhà giáo càng phải có trách nhiệm, luôn phấn đấu không ngừng để xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người làm "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.