Nhà văn Nhật Tuấn từ giã cõi đời vào lúc 18g ngày 6-10 tại TP.HCM do chứng phù nề hành tá tràng.
Nhà văn Nhật Tuấn - Ảnh: Facebook cá nhân |
Không ai, cả gia đình và bạn bè, lại nghĩ Nhật Tuấn ra đi nhanh như thế, vì cả cơ thể và sắc diện của ông vẫn còn khá tốt.
Nhưng sự thật là nhà văn tài hoa 73 tuổi ấy đã rời bỏ cuộc chơi trần thế. Ngày 7-10, gia đình nhà văn từ Hà Nội đã vào TP HCM để lo tang lễ.
Bùi Nhật Tấn - con trai duy nhất của nhà văn Nhật Tuấn với người vợ đầu, sinh năm 1970 - cho biết gia đình đã quyết định lễ tang theo trình tự: 7g ngày 10-10 lễ viếng bắt đầu tại nhà tang lễ TP, 10g sáng cùng ngày động quan và lễ hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Tên thật của nhà văn Nhật Tuấn là Bùi Nhật Tuấn. Ông sinh năm 1942 tại Hà Nội, sống và gầy dựng sự nghiệp viết văn ở đó suốt cho đến khi chuyển vào sống tại TP.HCM vài năm sau 1975.
Nhật Tuấn chăm viết, viết đều, nhiều tác phẩm của ông cả truyện ngắn và tiểu thuyết gây được tiếng vang trong lòng người đọc: Con chim biết chọn hạt (1981), Lửa lạnh (1987), Đi về nơi hoang dã (1988), Những mảnh tình đã vỡ (1990), Một cái chết thong thả (1995)...
Cái tài, cái duyên văn của Nhật Tuấn khi tuổi còn trẻ hay đã ở độ xế chiều vẫn là dồn hết cho thể loại truyện ngắn. Nhiều người đồng tình với nhận định: Nhật Tuấn là một tài năng trong lĩnh vực truyện ngắn, cả ngày xưa lẫn bây giờ. Văn của ông duyên dáng về cách sử dụng từ ngữ và sâu sắc về ý tứ.
Nhật Tuấn được giải thưởng văn chương ở thứ hạng cao và khá sớm: giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1977, Ngôi nhà đang lên tầng), giải nhất giải thưởng văn học của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (1978, tác phẩm Trang 17).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.