Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết vài tháng, dựng vài tuần, sao có chèo hay?

Phương Nam| 25/09/2011 06:55

(HNM) - Ông đã ngoài 80 tuổi, là một người lặng lẽ, trầm tĩnh, nhưng những công trình nghiên cứu về văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam của ông thì luôn tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ, đặc biệt là với chèo, một loại hình sân khấu thuần Việt.

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Việt Ngữ.


- Thưa nhà nghiên cứu VNDG Trần Việt Ngữ, ông có thể phác thảo vài nét chính công trình "Nghiên cứu nghệ thuật chèo" vừa được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước 2011?

- Công trình này dày 770 trang, do Viện Nghiên cứu âm nhạc ấn hành năm 1996, giới thiệu toàn bộ quá trình hình thành phát triển của chèo từ nguồn gốc phát triển ở thời kỳ phong kiến, thực dân và 40 năm phát triển sau Cách mạng Tháng Tám. Đây là công trình được nghiên cứu từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến bây giờ. "Nghiên cứu nghệ thuật chèo" được nhiều trường ĐH sân khấu - điện ảnh và nghệ thuật của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong nước lấy làm giáo trình để dạy diễn viên chèo các cấp. VOV cũng đã giới thiệu hơn 10 buổi và VTV giới thiệu 12 buổi.

- Có một số nhận định về chèo như chèo thuộc loại sân khấu khuyến giáo đạo đức, sân khấu tự sự dân tộc, sân khấu ước lệ và cách điệu, là loại kịch hát - múa - nhạc mang tính tổng hợp, có cả chất bi - hài… Ông có thể nói thêm về chèo qua những nghiên cứu, khám phá về thể loại này?

- Tìm hiểu thì thấy chèo nằm trong khuynh hướng chung xã hội là khuyến giáo đạo đức, đặc biệt là hiếu nghĩa quan hệ cha mẹ con cái, bạn bè, vợ chồng. Đa số cho rằng chèo bắt đầu từ chữ Trào (trào lộng mà ra). Tôi không tán thành mà cho rằng cái hài trong chèo tuy ngày càng hướng nhiều về hiện thực ngoài đời, nhưng phát triển lẻ tẻ và vẫn phải bám vào tích mới đứng được, mà các tích của chèo hầu hết mang tính bi, một loại bi hài "bi hài dân tộc".

Hay đứng trước một tích mới, cha ông ta vừa sử dụng vốn cũ, đồng thời vận dụng vào vốn mới thấy có độ chênh thì các nghệ nhân đã cải biên "bẻ làn nắn điệu". Nhân vật mới gặp tình huống mới thì nhất định phải sáng tạo làn điệu và diễn xuất mới như hát múa bình thảo của Thị Màu, hát múa xuôi ngược của Thúy Vân...

- Có một nghịch lý, chèo không làm một cuộc "thiên di" về phương Nam trong khi cải lương của phương Nam lại ngược đường thiên lý ra Bắc?

- Tôi cho rằng phương Nam mới phát triển 300-400 năm nay, các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn lại sử dụng nghệ thuật tuồng làm phương tiện để giáo dục vua quan và chúng dân. Cho nên khi Pháp sang thì trước sự xâm nhập của những hình thức văn hóa phương Tây như kịch nói, tân nhạc và cinema… thì phong trào của miền Nam đầu tiên là cải tiến hát bội (tuồng) cho phù hợp. Vì thế cơ sở xã hội của miền Nam ảnh hưởng nhiều của tuồng, chèo khó có khả năng xen vào...

- Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông tại sao Đờn ca tài tử Nam bộ  - một loại hình nghệ thuật pha tạp nhiều nguồn, lại được quan tâm làm hồ sơ trình UNESCO xét làm "Di sản văn hóa phi vật thể" của thế giới, trong khi chèo - thuần Việt thì lại chưa?

- Sau giải phóng, nhất là khoảng những năm 1980-1990, sân khấu chèo rơi vào khủng hoảng. Các vở chèo ngày càng xa rời truyền thống thậm chí cho đến hôm nay kể cả Nhà hát Chèo Việt Nam cũng ít dựng lại và diễn những vở truyền thống, mà toàn là chèo mới "cách tân", "cải biên"… Trong hoàn cảnh đa số đơn vị còn chạy theo thị hiếu trước mắt để kiếm sống, chưa thật lòng quan tâm đến vốn cũ thì làm sao có thể đặt vấn đề lên UNESCO. 

- Nói về chèo "cách tân", "cải biên" phù hợp với cuộc sống đương đại, xin ông cho biết ý kiến riêng của mình?

- Tôi đã nói đến quy luật phát triển của chèo mà thể hiện rõ nhất ở khâu diễn xuất xây dựng hình tượng nhân vật. Thế nên, nếu chỉ chú ý một mặt mà không phải là mặt chủ yếu thì rất khó có thể xây dựng được một vở chèo mới, cho nên ở các hội diễn gần đây chỉ mới thấy có vở, có tiết mục gọi là chèo nhưng lại là kịch chèo hoặc lớp này là kịch lớp kia là chèo. Chưa kể phần trang trí mỹ thuật lại không phù hợp với vở diễn.

- Trong tác phẩm: "Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ", ông đã nêu được một số đặc điểm về tính chiến đấu, hình thức phê phán, đả kích của vai diễn hề chèo trên sân khấu chèo cổ. Nhưng gần đây đặc điểm này gần như không còn được phát huy, làm cho vở chèo thiếu sự hấp dẫn?

- Vì chạy theo thị hiếu tầm thường nặng về những chuyện hài hước, thô tục nên mất đi tính chiến đấu. Thậm chí, dựng lại vở chèo cổ Kim Nham mà vẫn thích thú khi đưa ra hai nhân vật làm hề là Cu Sứt và Khèo - hai hề tiêu cực nhất trong vốn chèo cổ.

- Theo ông, muốn cho chèo "sống", tồn tại và phát triển một cách đích thực - sánh với các loại hình nghệ thuật đương đại, chứ không phải trong trạng thái là "di sản truyền thống" hay "bảo tàng", cần phải có những điều kiện gì?

- Cần những người làm chèo yêu nghề, phải tin vào nghề vì thế cần mang hết tâm sức cho chèo. Với một loại sân khấu tổng hợp có truyền thống lâu đời và ăn sâu vào tâm thức dân tộc như chèo, thì với sự tìm hiểu vốn cũ chưa mấy toàn diện, với sự hy sinh tin tưởng về nghề chưa nhiều mà lại viết vở chỉ bỏ ra vài tháng, dựng vở cũng chỉ vài tuần thì làm sao có thể có kịch bản, có tiết mục hay nhiều giá trị được.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết vài tháng, dựng vài tuần, sao có chèo hay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.