(HNM) - "Hồ Thác Bà giống như cô gái sơn cước - đẹp mộc mạc nhưng có sức cuốn hút kỳ diệu", ông Lê Thanh Bình - Trưởng đại diện Hội Người Việt tại Ba Lan và cũng là một trong những chủ đầu tư dự án dịch vụ du lịch sinh thái hồ Thác Bà chia sẻ với bạn bè như vậy trong tuần lễ khai trương dự án hồi đầu tháng 8.
Vẻ ngoài gầy gò, có phần lam lũ, nếu gặp lần đầu, ít ai có thể nghĩ Lê Thanh Bình là một Việt kiều từng có 30 năm sinh sống ở trời Âu.
Với ông Bình, cũng như nhiều bà con Việt kiều khác, quê hương không chỉ là điểm tựa vững chắc, mà còn là hành trang trong suốt chặng đường phấn đấu vươn lên, phát triển. Vì vậy dù ở xa xứ nhưng ông luôn hướng về quê hương bằng các hoạt động cụ thể. Với ông, nếp sống, văn hóa Việt vẫn luôn hiện hữu như sợi dây tình cảm kết nối với quê nhà.
Hồ Thác Bà. |
Nhiều năm qua, với tư cách là Trưởng đại diện Hội Người Việt tại Ba Lan, ông Bình đã kêu gọi không chỉ Việt kiều Ba Lan mà còn rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về Việt Nam. Tiêu biểu cho những dự án có sự tham gia của kiều bào ở Ba Lan là Làng Việt kiều châu Âu ở Hà Đông từng được coi là điểm sáng, đóng góp vào quá trình đô thị hóa, quy hoạch tổng thể và sự phát triển của Thủ đô.
Trong con mắt của bạn bè, ông Bình giống như một con thoi hoạt động liên tục mà không biết mệt. Với bất kỳ công việc nào, ông đều tận tâm. Không ít lần, bạn bè được chứng kiến ông vào vùng bão lũ để tận tay đưa quà cho bà con gặp nạn. Ngoài việc tham gia nhiều dự án kinh tế xã hội và công việc bận rộn của một Trưởng đại diện Hội Người Việt tại Ba Lan, ông Bình còn là đại diện của Báo Quê Việt - món ăn tinh thần của người Việt Nam tại Ba Lan và là hội viên tích cực của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam với bút danh Trực Chấp. Những người yêu thơ hẳn biết đến tuyển tập "Lời ru người xa xứ" chất chứa đầy nỗi niềm của ông được xuất bản năm 2002.
Khi được hỏi tại sao lại chọn hồ Thác Bà là điểm đầu tư, ông Bình cho biết, với ông Yên Bái có ý nghĩa đặc biệt, là nơi sinh ra và là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Xa quê đã lâu nhưng tình cảm của ông với mảnh đất sơn cước này vẫn nguyên vẹn. Ông cũng luôn đau đáu khi nhiều năm qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình hiện đại hóa, nhưng Yên Bái vẫn là vùng đất nghèo. Do vậy, ông Bình và ông Nguyễn Minh Ngọc cũng là Việt kiều ở Ba Lan đã cùng ông Trần Văn Hùng - một doanh nhân tại tỉnh Yên Bái quyết tâm đầu tư vào khu du lịch hồ Thác Bà như một bước nhấn nhằm đánh thức những tiềm năng của quê nhà.
Là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam hiện nay, hồ Thác Bà được hình thành từ năm 1970 khi nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ngăn dòng sông Chảy. Nằm trong vùng diện tích tự nhiên 23.400ha với 1.331 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động, thảm thực vật và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, những dấu ấn bản sắc văn hóa huyền bí và những truyền thuyết và di tích hiếm có như thành Nhà Bầu, núi Thái Bảo... hồ Thác Bà từ lâu đã được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long trên núi"… Tuy nhiên những năm qua, hồ Thác Bà mới được khai thác chủ yếu phục vụ cho phát điện, tưới tiêu nông nghiệp, vận tải đường thủy chứ chưa được chú trọng về tiềm năng du lịch. Hiện tại, hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, quảng bá du lịch hồ Thác Bà còn khiêm tốn, còn thiếu các loại hình giải trí và hướng dẫn viên du lịch có trình độ, kinh nghiệm.
Ông Lê Thanh Bình cho biết, để nơi đây trở thành một điểm du lịch sinh thái quy mô nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vùng miền, mang đậm nét bản sắc các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc thì có nhiều việc phải làm. Dù trong giai đoạn I, dự án đã hoàn thành mục tiêu trồng 70ha rừng trên khoảng 40 hòn đảo cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ du lịch, ở giai đoạn II, nhiệm vụ của công ty là phải kêu gọi sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp Việt kiều, tiếp tục đầu tư vào kế hoạch phát triển một cách cơ bản và hệ thống dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp, đầu tư thêm nhiều dịch vụ vui chơi dưới nước, mở rộng các tour đưa đón du khách vào các hang động, các làng bản ven hồ và một số danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh…
Nhận xét về tác động của dự án dịch vụ du lịch sinh thái hồ Thác Bà đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Lê Văn Lương cho rằng, khi hoàn thành dự án sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước, qua đó có thể tạo được ấn tượng tốt, thu hút các nhà đầu tư khác đến với Yên Bái. Ngoài ra, dự án này sẽ tạo thêm hàng trăm công ăn việc làm cho thanh niên địa phương cũng như nâng cao đời sống cho đồng bào 12 dân tộc thiểu số sống quanh vùng hồ.
Được biết, đây không phải dự án đầu tiên ông Bình triển khai tại Yên Bái. Năm 2004, ngay sau khi về nước, nhóm của ông đã phối hợp với địa phương triển khai dự án trồng hàng trăm hécta gừng và riềng tại những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Sau 7 năm thực hiện, vừa cung cấp đầu vào, vừa giải quyết đầu ra, dự án này vừa là một biện pháp chống xói mòn đất, vừa giúp cải thiện đáng kể đời sống của bà con dân tộc. Thác Bà, vùng đất hoang sơ, thâm sơn cùng cốc ấy đã từng viết nên một huyền thoại với công trình thủy điện hùng vĩ, cũng từ đó mà hình thành nên lòng hồ Thác Bà kỳ vĩ như bây giờ. Viết tiếp thêm huyền thoại ấy bằng một dự án du lịch có thể làm thay đổi diện mạo Thác Bà là mong muốn cháy bỏng với người con của Yên Bái. Ông Bình từng khẳng định: "Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được cho Yên Bái".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.