(HNM) - Cuốn sách hai tập do tác giả Lê Nam (Lê Minh Riện) viết, giới thiệu về tiến trình lịch sử nước ta từ thời Lạc Long Quân - Âu Cơ đến thế kỷ XXI. Trên bìa ghi sách do Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản theo Quyết định số 326B/QĐ-ĐoN ngày 1-6-2010, đơn vị liên danh thực hiện là Nhà sách Thành Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Cuốn sách nhằm khẳng định "ánh hào quang" lịch sử Việt Nam, tuy nhiên nhiều thông tin lại sai lệch nghiêm trọng…
Cuốn sách này "được hiểu" là xuất bản có giấy phép đàng hoàng. Là cuốn sách giới thiệu lịch sử Việt Nam nhưng tác giả không chỉ "sáng tạo" những đoạn thoại rất mùi mẫn, chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết lịch sử, mà còn "phong", bịa ra các giai thoại, địa danh, thời điểm lịch sử Việt Nam từ thời An Dương Vương xuyên qua các giai đoạn lịch sử sau này.
Yêu cầu đầu tiên với một cuốn sách sử là đòi hỏi sự chính xác và nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những cơ sở, căn cứ khoa học xác đáng. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tác giả đã dựng lên nhiều đoạn lời thoại cho các nhân vật lịch sử từ cổ chí kim. Điển hình là những đoạn lời thoại của các chiến sĩ, tướng lĩnh tại nhiều trận đánh lớn như Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Nhiều kiến thức lịch sử về Đảng, chính thể Nhà nước ta cũng có nhầm lẫn, sai sót tai hại. Ngoài ra, cuốn sách cũng mắc hàng loạt lỗi chính tả, lỗi viết hoa, tên người như: Hun Lam, nguyễn Năng, lúc thì Nic-Xơn lúc lại viết là NicSon…
Xét về góc độ chính xác lịch sử cũng như cấp độ kiến thức thì sách này không thể đủ "tiêu chuẩn" xuất bản. Nếu xuất bản thì đó là một sản phẩm vi phạm quy định pháp luật, vì đó là một ấn phẩm quái đản. Trong xuất bản sách, nhà xuất bản (NXB) có vai trò quan trọng, là “tấm lọc” cuối cùng trước khi xuất bản phẩm đến tay bạn đọc. Theo quy định của pháp luật thì NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân về chất lượng xuất bản phẩm. Sai lệch, xuyên tạc lịch sử là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản. Vậy tại sao một cuốn sách 2 tập, gần 600 trang, với nhiều lỗi sai nghiêm trọng nêu trên vẫn "lọt" ra thị trường, đến tay độc giả? Theo thông tin trên bìa sách thì "Đại Quang Việt Sử" do NXB Đồng Nai xuất bản theo Quyết định số 326B/QĐ-ĐoN ngày 1-6-2010, đơn vị liên danh thực hiện là Nhà sách Thành Nghĩa và in tại Công ty CP In - Thương mại Phú Yên (?).
Để bảo đảm thông tin đa chiều, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Đồng Nai (đơn vị chủ quản NXB Đồng Nai). Ông Hùng khẳng định NXB Đồng Nai không xuất bản cuốn sách này (?). Trước đây, NXB Đồng Nai có xin Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) giấy phép để liên danh với Nhà sách Thành Nghĩa xuất bản cuốn sách, nhưng do Nhà sách Thành Nghĩa chuyển bản thảo quá chậm, nên NXB hủy hợp đồng.
Phóng viên Báo Hànộimới tiếp tục liên hệ với ông Võ Thành Tân, Tổng Giám đốc doanh nghiệp sách Thành Nghĩa để tìm hiểu. Trên điện thoại, ông Tân xin khất để kiểm tra lại bộ phận xuất bản và trả lời sau. Phóng viên cũng đã tìm gặp tác giả Lê Nam và được nghe ông này khẳng định: Đã nhận được khoảng 7 triệu đồng từ Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (thuộc hệ thống Nhà sách Thành Nghĩa).
Một tác phẩm đúng, hay sẽ có hiệu ứng tốt và ngược lại. Sở Thông tin - Truyền thông Đồng Nai đã phủ nhận, Nhà sách Thành Nghĩa chưa trả lời. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì lý do gì mà các cơ quan, đơn vị nói trên lại im lặng, khi một xuất bản phẩm "dỏm", sai lệch, xuyên tạc lịch sử như vậy đã mạo danh cơ quan mình để lọt lưới, trôi nổi trên thị trường, gây ảnh hưởng tới uy tín của mình? Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý xuất bản cần sớm vào cuộc, làm rõ xử lý nghiêm các sai phạm và trả lời trước công luận. Cũng cần cảnh báo thêm, sau cuốn "Đại Quang Việt Sử", rất có thể ông Lê Nam, đứng tên cùng một nhóm tác giả khác sẽ còn cho ra đời các cuốn sách quái đản tương tự khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.