Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết nên điều kỳ diệu của sự sống

Thu Trang| 07/11/2014 05:59

(HNM) - Tận mắt chứng kiến nghị lực phi thường của người chiến sĩ quả cảm Đinh Văn Dương đang cố gắng vượt lên chính mình để bắt đầu tập ăn, tập nói, tập vận động… chúng tôi không giấu nổi xúc động.

Bước vào buồng bệnh của Khoa Hồi sức tích cực (Viện Bỏng quốc gia) chúng tôi mới cảm nhận hết sự tất bật, vất vả của các y bác sĩ nơi đây. Mặc dù đã vào giờ nghỉ trưa nhưng hầu như bác sĩ, điều dưỡng đều ở lại khoa túc trực bên một bệnh nhân đặc biệt - anh Đinh Văn Dương, người duy nhất sống trong vụ máy bay trực thăng quân sự rơi ở Hòa Lạc (Hà Nội) vào đầu tháng 7.

Dù trời bắt đầu se lạnh nhưng phòng cách ly tại Khoa Hồi sức - nơi điều trị cho chiến sĩ Đinh Văn Dương khá nóng. Các y bác sĩ lý giải, do chấn thương nặng, độ bỏng sâu, nhiều phần cơ thể của bệnh nhân đã không còn lớp da bảo vệ, mất đi khả năng cân bằng nhiệt nên buồng bệnh luôn phải giữ ở mức 30oC. Không chỉ bảo đảm về nhiệt độ, nơi anh Dương điều trị cũng cần tuyệt đối tiệt trùng từ người tiếp xúc với bệnh nhân cho đến các dụng cụ khám chữa bệnh, giường bệnh, không khí, mặt sàn. Ngay trước khi bước vào phòng bệnh, chúng tôi được khử khuẩn quần áo, tay chân và trang phục giống như một nhân viên y tế thực thụ. Nằm trên giường bệnh, khắp cơ thể quấn đầy những dải băng trắng, xung quanh là đủ loại máy móc, thiết bị, Dương đang hé miệng nhận từng thìa cháo từ bàn tay chăm sóc ân cần của người thân. Các điều dưỡng mừng rỡ khoe với chúng tôi, sau 4 tháng điều trị, anh đã bắt đầu cảm nhận được vị ngon của bữa ăn...

Trong suốt chặng đường dài gắn bó với nghề y, đây là lần đầu tiên TS Nguyễn Hải An, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chứng kiến sự kiên cường, nghị lực sống mãnh liệt của một bệnh nhân mang trong mình quá nhiều thương tổn nặng. TS Nguyễn Hải An cho biết, vào cấp cứu sau vụ tai nạn máy bay, mặc dù cơ thể bị bỏng hơn 60%, cộng thêm đa chấn thương với tiên lượng rất xấu, vết bỏng lan rộng nên các bác sĩ buộc phải cắt hai chân và hai bàn tay nhưng chưa bao giờ thấy người chiến sĩ ấy đầu hàng số phận. Nhớ lại thời điểm tình trạng sức khỏe Trung úy Dương "ngàn cân treo sợi tóc", TS Nguyễn Hải An kể, nhiều chuyên gia giỏi tham gia hội chẩn đều e ngại anh khó có thể qua khỏi. Có giai đoạn bệnh nhân nhiễm độc, nhiễm khuẩn, suy thận nặng, suy hô hấp, niêm mạc phổi bong từng mảng lớn, nội soi hút ra nhiều màng niêm mạc, huyết áp giảm, kéo theo cả rối loạn chức năng đông máu... Không chỉ bị bỏng nặng toàn cơ thể, Trung úy Dương còn bị bỏng cả mắt và các cơ quan trong cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, thận cũng bị tổn thương. Cơ thể không thể cùng lúc chống chọi với quá nhiều thương tích, anh đã hôn mê sâu, vừa hồi tỉnh lại ngay lập tức hôn mê. Bệnh nhân phải sử dụng rất nhiều thuốc an thần để giảm đau và trải qua gần 100 ngày hôn mê.

Với cơ thể bỏng nặng, đa chấn thương, Trung úy Dương luôn được 5 điều dưỡng thường xuyên túc trực chăm sóc. Quá trình điều trị muôn vàn khó khăn, bệnh nhân luôn được chăm sóc kỹ càng, bảo đảm vô trùng, dinh dưỡng cũng phải gấp 3 lần người bình thường. Thời gian đầu, bệnh nhân chưa thể ăn uống qua đường miệng nên điều dưỡng phải cho anh ăn qua đường xông, đường huyết, bảo đảm khoảng 4.000-5.000 calo/ngày bằng những loại sữa giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao. Có giai đoạn, bệnh nhân đi ngoài đến 9-10 lần trong một ngày, điều dưỡng y tá vừa phải thay băng thường xuyên, cẩn trọng, làm sạch vết thương, vừa bảo đảm mắt không bị tổn thương. Việc thay băng cũng như tập vận động nhẹ nhàng trên giường cho chàng trai nặng khoảng 60-70kg không hề đơn giản.

Những ngày vết thương hành hạ, dày vò cơ thể người chiến sĩ ấy là những ngày những người thầy thuốc lo lắng đến quặn lòng. Có hôm anh nôn ra đến 500-700ml máu, khắp phòng bệnh, tiếng bước chân dồn dập hối hả vội vã để liên tục truyền máu cho anh. Những lúc ấy, mặc dù có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia đầu ngành cùng các trang thiết bị hiện đại nhưng quá trình điều trị tưởng như đi vào ngõ cụt. Không ít lần các y bác sĩ tuyệt vọng, bi quan tưởng chừng anh có thể sẽ ra đi như các đồng đội khác. "Mọi người đều phải động viên nhau dốc hết sức vì "còn nước, còn tát". Nhìn nghị lực sống kiên cường, sự hợp tác của anh trong quá trình chữa trị, chúng tôi lại có thêm một bài học về điều kỳ diệu của sự sống: Đừng bao giờ tắt hy vọng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và phải luôn tận tâm, không mệt mỏi", TS Nguyễn Hải An nói.

Để chiến thắng bệnh tật, cùng với sự nỗ lực của y bác sĩ thì nghị lực và tinh thần của bệnh nhân vô cùng quan trọng. Hiểu rõ điều này nên các y bác sĩ đều liên tục hỏi han, động viên anh. Là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc, chứng kiến từng giây phút Trung úy Dương giành giật sự sống, Điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức Phan Tuệ chia sẻ: "Ở đây, chúng tôi đều gọi anh là "đồng chí Dương". Sáng nào cũng vậy, khi đến bệnh viện, việc đầu tiên tôi làm là nói chuyện với anh: "Thế nào đồng chí Dương, đêm qua anh ngủ có ngon không, có thấy khỏe hơn không?". Dù các thầy thuốc biết anh đang thở máy, không nói được nhưng qua ánh mắt của người chiến sĩ quả cảm ấy, vẫn nghe được những lời động viên, an ủi của họ. Trong những giờ phút sinh tử, gia đình, sự tận tâm của người vợ, tình cảm cha con thiêng liêng đã giúp anh ấy vượt qua nỗi đau bệnh tật. "Những khi rơi vào trạng thái lúc tỉnh, lúc mê nhưng khi nhìn thấy vợ con, dù không nói được nhưng đôi mắt anh vẫn ánh lên niềm hy vọng" điều dưỡng Phan Tuệ xúc động kể.

Được biết, chỉ vài ngày sau khi tai nạn thảm khốc, chị Nguyễn Thị Hải - vợ anh đã sinh một bé trai kháu khỉnh. Điều dưỡng Phan Tuệ tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, thời gian đầu khi bệnh nhân đang phải áp dụng chế độ điều trị đặc biệt, vài ngày, người nhà mới được vào thăm một lần. Và mỗi lần nhìn thấy vợ cùng các con vào thăm, chúng tôi lại động viên anh: "Đồng chí Dương này, không phải ai cũng may mắn "có nếp có tẻ", có hai đứa con đều xinh xắn, bụ bẫm như anh đâu. Nghĩ đến vợ con, anh phải kiên cường, lạc quan để chiến thắng bệnh tật đấy nhé". Nhìn sang hai đứa con thơ đang chơi đùa trên giường bệnh, lần đầu tiên anh Dương nở nụ cười.

Với các y bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia thì ở Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, trường hợp sống sót sau khi máy bay phát nổ như Trung úy Dương có thể coi là một kỳ tích. Với nghị lực phi thường của người lính bộ đội Cụ Hồ cùng những năm tháng rèn luyện nơi thao trường, bệnh tật đã phải lùi bước trước ý chí kiên cường của anh. Sau 4 tháng lúc tỉnh lúc mê man, anh đã dừng thở máy. Các điều dưỡng bắt đầu dạy anh tập ăn uống, tập phát âm, rồi dạy anh nói bằng hình ảnh minh họa. Dù một bên mắt còn chưa nhìn rõ nhưng anh vẫn cố gắng nhận biết và phát âm đúng. Hiện tại, anh đã có thể nói chuyện chậm rãi từng từ, ăn được cháo và điều đặc biệt là trí nhớ trở lại như bình thường. Anh vẫn nhớ như in cái ngày xảy ra tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng nhiều đồng đội của mình. Anh kể lại từng chi tiết dù là những sự việc nhỏ nhất, bắt đầu từ khi chiếc máy bay gặp sự cố và cơ trưởng đã cố điều khiển máy bay ra khu đất trống, tránh khu dân cư và rồi chiếc máy bay bốc cháy và lao xuống…

Chứng kiến sức khỏe của Trung úy Dương tiến triển sau từng ngày, ai nấy trong Khoa Hồi sức đều vui mừng khôn xiết bởi mọi nỗ lực, cố gắng của họ đã được đền đáp. Bước ra khỏi buồng bệnh, chúng tôi vẫn không quên lời điều dưỡng Phan Tuệ nói: "Bệnh nhân ăn xong và tỉnh táo, chúng tôi mới yên tâm đi ăn trưa". Khi đó kim đồng hồ đã chỉ 13h.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viết nên điều kỳ diệu của sự sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.