Ngày 23-1, Canada và 10 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm ký kết thoả thuận này.
Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm phán Hiệp định CPTPP trong cuộc họp báo sau hội nghị tại Tokyo. (Nguồn: Kyodo/TTXVN) |
Các bên đạt được nhất trí trên sau hai ngày họp cấp cao tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Dự kiến các bên sẽ ký kết thoả thuận này tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào tháng Ba tới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François-Philippe Champagne ra thông báo cho biết 11 nước đã đạt được nhất trí quan trọng về ba nội dung sửa đổi trong CPTPP liên quan đến văn hoá, ôtô và đình chỉ một số điều khoản về bảo vệ bản quyền sỡ hữu trí tuệ.
Trước đó, Canada do dự về việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, tên gọi cũ của CPTPP) tại Đà Nẵng do lo ngại ảnh hưởng đến tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra đầy khó khăn với Mỹ và Mexico.
Một số hiệp hội ngành nghề tại Canada như Teamsters (đại diện cho 1,4 triệu lao động ở Bắc Mỹ) và Unifor bày tỏ lo ngại việc Chính phủ Canada đồng ý ký CPTPP trước khi hoàn tất tái đàm phán NAFTA.
Tuy nhiên, Hiệp hội Trang trại và công nghiệp thực phẩm Canada lại hoan nghênh quyết định này, cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau “không nên để hết trứng vào một giỏ.”
Hiệp hội Thịt lợn Canada (CPC), Hiệp hội Chăn nuôi gia súc Canada (CCA), Hiệp hội Thịt Canada (CMC) và Liên minh thương mại Nông nghiệp-Thực phẩm Canada (CAFTA) cũng cho rằng CPTPP là cơ hội để Canada có thể đạt được mục tiêu 75 tỷ đôla Canada (CAD) của ngành xuất khẩu thịt. Chủ tịch CMC Chris White tin tưởng việc ký kết CPTPP “sẽ tăng nguồn thu từ bán thịt bò và thịt lợn lên ít nhất 500 triệu CAD và tạo thêm 5.800 việc làm.”
Thông tin về CPTPP được công bố cùng thời điểm khởi động tiến trình tái đàm phán NAFTA vòng 6 tại thành phố Montreal ở Canada. Đây được cho là tín hiệu gửi đến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh Nhà Trắng đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu không đạt được những bước tiến cần thiết và nhượng bộ từ Canada và Mexico tại vòng đàm phán lần này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.