Có điểm số nhỉnh hơn năm ngoái nhưng Việt Nam lại xếp vị trí 60/138 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, so với vị trí 56/140 năm 2015.
Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2016-2017. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (25), Thái Lan (34), Indonesia (41) và Philippines (57). Trừ Singapore, các nước này đều tụt hạng so với năm ngoái.
Trong số các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, tốc độ cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam trong vòng 9 năm qua kém hơn so với Trung Quốc và Campuchia |
WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,31 - nhỉnh hơn so với 4,3 năm ngoái (thứ hạng 56 trên 140).
Số quốc gia tham gia khảo sát năm nay là 138, ít hơn 2 so với năm ngoái. Tuy tụt hạng song WEF đánh giá xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh. Trước đó, vị trí của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong giai đoạn 2012-2015.
Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).
Trong 3 nhóm này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở Yêu cầu căn bản, với 4,5 điểm, xếp thứ 73. Một số tiêu chí khác cũng có sự cải thiện, như Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Trình độ công nghệ hay Giáo dục và đào tạo bậc cao.
Trên thế giới, 3 vị trí đứng đầu năm nay không có sự thay đổi, với lần lượt là Thụy Sĩ (5,81 điểm), Singapore (5,72) và Mỹ (5,7). Trong top 10 có 6 đại diện châu Âu, 3 châu Á và một châu Mỹ.
Nhóm nước mới nổi tiếp tục thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Trong khi Ấn Độ thăng hạng lên thứ 39, từ 55 năm ngoái, Trung Quốc giữ nguyên tại 28, Brazil lại trượt xuống 81 và Thổ Nhĩ Kỳ xuống 55.
Năm nay, báo cáo nhận định việc các nước giảm cởi mở kinh tế đang đe dọa tốc độ tăng trưởng và sự thịnh vượng. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng chưa đủ để duy trì tăng trưởng bền vững và các nước cần cải tổ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc cập nhật các phương thức kinh doanh, đầu tư vào sáng tạo cũng quan trọng như cơ sở hạ tầng, kỹ năng và thị trường hiệu quả.
"Kinh tế toàn cầu kém cởi mở hơn đang ảnh hưởng xấu đến tính cạnh tranh và khiến các lãnh đạo khó duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững", ông Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF kết luận.
Cạnh tranh được định nghĩa là "nhóm thể chế, chính sách và yếu tố quyết định đến sức sản xuất của một nền kinh tế, từ đó tác động lên sự thịnh vượng của quốc gia". Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu được thực hiện thường niên, với mục tiêu vẽ ra bức tranh toàn cảnh về yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, năng suất và sự thịnh vượng tại các quốc gia./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.