Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) ngày 26-6, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thay mặt Nhóm 21 (G21) trình bày phát biểu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong phát biểu, G21 nhắc lại quan ngại về nguy cơ mà vũ khí hạt nhân đặt ra với sự tồn vong của nhân loại, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong việc loại bỏ những vũ khí này.
Nhóm ghi nhận và hoan nghênh một số diễn biến tích cực gần đây về nỗ lực của cộng đồng quốc tế tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc thành lập các khu vực phi vũ khí hạt nhân và đàm phán Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân năm 2017.
Tuy nhiên, Nhóm G21 bày tỏ lo ngại trước thực tế rằng, còn nhiều quốc gia đề cao vũ khí hạt nhân trong các học thuyết an ninh; một số quốc gia phá vỡ đồng thuận thành lập khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; quá trình cắt giảm và loại bỏ kho vũ khí hạt nhân chậm trễ và ít có tiến triển.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) thay mặt Nhóm G21 trình bày phát biểu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
G21 nhấn mạnh, tiến bộ về không phổ biến và giải trừ hạt nhân là cần thiết đối với hòa bình và an ninh thế giới; loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là đảm bảo duy nhất để các quốc gia không bị đe dọa hoặc tấn công bởi vũ khí hạt nhân.
Nhóm đề xuất và yêu cầu thực hiện một số biện pháp quan trọng: Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tái khẳng định các cam kết rõ ràng về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, loại bỏ vai trò của vũ khí hạt nhân trong các học thuyết an ninh, thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ hạt nhân như giảm báo động hạt nhân, giảm tính sẵn sàng hoạt động của các hệ thống vũ khí hạt nhân; đàm phán một công cụ phổ quát, vô điều kiện và có tính ràng buộc pháp lý để đảm bảo các nước không có vũ khí hạt nhân không bị de dọa hoặc tấn công bởi vũ khí hạt nhân; đàm phán tại Hội nghị Giải trừ quân bị về một Hiệp ước Vũ khí hạt nhân cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và phá hủy vũ khí hạt nhân, tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân mang tính toàn cầu, không phân biệt và có thể kiểm chứng với thời gian xác định.
Quang cảnh phiên họp toàn thể Hội nghị Giải trừ quân bị, ngày 26-6. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối viên của G21 tại Hội nghị Giải trừ quân bị từ ngày 25-6 đến 19-8-2018 (Hội nghị Giải trừ quân bị nghỉ giữa kỳ vào tháng 7-2018). G21 là 1 trong 4 nhóm khu vực của Hội nghị (33/65 thành viên CD), là các nước thuộc Phong trào Không liên kết.
Các nhóm khu vực khác gồm: Nhóm Đông Âu (6 thành viên), Nhóm phương Tây (25 thành viên) và Nhóm Một nước (Trung Quốc).
Vai trò điều phối viên G21 được thực hiện luân phiên theo thứ tự chữ cái. Mỗi năm có 6 điều phối viên tương ứng với 6 nhiệm kỳ Chủ tịch của CD.
Cũng theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị bắt đầu từ cuối tháng 6-2019 đến giữa tháng 8-2019 (CD nghỉ giữa kỳ vào tháng 7-2019). Lần gần đây nhất Việt Nam làm Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị là từ tháng 1-2/2009.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.