(HNMO)- Sáng 9-9, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) tại Geneva, Thụy Sỹ, đã tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề giáo dục lịch sử và quá trình tưởng niệm nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về quá trình giảng dạy lịch sử và tưởng niệm.
neva, Thụy Sỹ, đã tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề giáo dục lịch sử và quá trình tưởng niệm nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về quá trình giảng dạy lịch sử và tưởng niệm.
Phó Cao ủy Nhân quyền, Bà Flavia Pansieri cùng 36 Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thành viên HĐNQ và các tổ chức quốc tế và phi chính phủ về quyền con người đã phát biểu tham luận.
Ngày 10-9, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, mở đầu phiên thảo luận, Phó Cao ủy Nhân quyền nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của giáo dục lịch sử, tuy nhiên dễ bị xuyên tạc và tuyên truyền theo hướng dễ tạo ra xung đột mới thay vì tăng cường hiểu biết lẫn nhau, do đó cần một cách tiếp cận lịch sử theo hướng toàn diện nhằm tôn trọng và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các dân tộc, cộng đồng, cũng như phát triển ý thức nhân loại nói chung.
Các diễn giả cho rằng di sản văn hóa, lịch sử và tưởng niệm rất quan trọng trong việc hình thành bản sắc; cách nhìn rộng hơn về lịch sử sẽ góp phần cho hòa giải bền vững; và cách tiếp cận đa chiều cần được áp dụng trong giảng dạy lịch sử, kết hợp với khảo sát thực địa. Trong thảo luận, các quốc gia và diễn giả đều cho rằng giáo dục lịch sử và quá trình tưởng niệm nên khuyến khích quá trình hòa giải, không nên sử dụng như một công cụ để tuyên truyền, và cần góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã có phát biểu chia sẻ quan điểm về quyền của trẻ em trong việc phát triển quan điểm đúng đắn, khách quan về lịch sử thông qua giáo dục; các quốc gia nên tôn trọng những nguyên tắc tiếp cận toàn diện về giáo dục lịch sử, bảo đảm sự hiểu biết tốt hơn về những thách thức và cơ hội để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng giá trị thiêng liêng của các quyền con người, đặc biệt là quyền tự quyết dân tộc, quyền được sống trong hòa bình, thịnh vượng, và hòa hiếu giữa các dân tộc. Việt Nam cho rằng việc thực hiện các quyền con người phổ quát phải gắn với hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và truyền thống, và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của một quốc gia.
Trong một thế giới ngày càng đa dạng, cần kết hợp hài hòa giữa các tiêu chuẩn và nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo và các giá trị tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực.
Kết thúc Phiên thảo luận, Báo cáo viên đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, Farida Shaheed nhấn mạnh cách tiếp cận đa chiều trong sách dạy lịch sử và quá trình tưởng niệm, các quốc gia cần mở ra không gian đa chiều để giáo dục lịch sử, đó là những điều kiện tiên quyết của một xã hội văn minh và dân chủ. Báo cáo về kết quả Phiên thảo luận này sẽ trình lên Hội đồng Nhân quyền Khóa 28 vào tháng 3 năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.