(HNMO) – Sáng 2/6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã giải trình trước Quốc hội về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng, kể từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức là thành viên WTO, bức tranh xuất nhập khẩu đã được cải thiện rất nhiều, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và đã tăng gấp 3 lần trong vòng 6 năm qua (từ 46 tỷ USD của năm 2007 tăng lên 133 tỷ USD trong năm 2013). Nhập siêu cũng giảm dần qua các năm, dẫu còn dù chưa vững chắc nhưng về định hướng là khả quan và không phải giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu mà là do tăng xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, tập trung vào những đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước Asean, Trung Quốc, trong đó Trung Quốc là một đối tác quan trọng.
Theo thống kê, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc tuy là đối tác quan trọng nhưng việc luôn nhập siêu với Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm của cả nước và đòi hỏi phải có những giải pháp cải thiện cán cân thương mại.
Nhận thức về vấn đề này, trong nhiều năm qua, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó đã ký kết những hiệp định với Trung Quốc mà trong đó Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, tiến tới ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.
“Chúng ta đã chủ động, chứ không phải chờ đến bây giờ, tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc”, Bộ trưởng khẳng định.
Song song với đó, hiện Việt Nam cũng đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, các đối tác lớn như liên minh châu Âu, các nước Châu Á- Thái Bình Dương đều đang mong muốn xúc tiến liên kết thương mại với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập các thị trường lớn.
“Trong phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan thúc đẩy mạnh hơn tái cơ cấu, sắp xếp, thay đổi các thị trường và tình hình hiện nay càng thúc đẩy chúng ta thực hiện mạnh mẽ hơn công việc này”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng lưu ý, trong quá trình hội nhập, bên cạnh thời cơ còn có thách thức, trong đó đối tượng là người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, trong đàm phán thương mại, Chính phủ luôn chú trọng tới người nông dân, đảm bảo duy trì sự bảo hộ hợp lý với nông dân ở một số mặt hàng nông sản nhất định. Hiện đàm phán thương mại với tất cả các đối tác đã và đang thực hiện theo đúng nguyên tắc các bên cùng cân bằng lợi ích, tôn trọng thể chế chính trị, đạt được lợi ích căn bản, với những lĩnh vực thương mại Việt Nam còn yếu kém nhưng có tiềm năng thì thực hiện theo lộ trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.