Số liệu từ Kaspersky Lab cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm ba quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các cuộc tấn công nhắm vào những thiết bị IoT (Internet of Things).
Theo thông tin được đại diện hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam chia sẻ, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu danh sách này với 17%, kế đến là Việt Nam là 15%, Nga đứng thứ ba với 8%.
Bên cạnh đó, tổng số mẫu phần mềm độc hại nhắm đến các thiết bị IoT hiện đã lên tới hơn 7.000 mẫu các loại trong năm 2017, con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh nếu người dùng không quan tâm bảo mật cho thiết bị.
Năm 2017, mã độc tống tiền đã có một năm “nổi loạn” với cái tên Wannacry. Cuộc tấn công quy mô lớn này đã ảnh hưởng đến 74 quốc gia trong đó có Việt Nam. Chỉ sau vài giờ lây lan, Việt Nam đã có đến hơn 200 doanh nghiệp bị nhiễm.
Theo Kaspersky, Việt Nam là một trong 20 nước có thiệt hại nặng nề nhất do cuộc tấn công Wannacry gây ra. Tới cuối năm 2017, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ máy tính hệ thống công nghiệp bị tấn công cao nhất thế giới với 69,6%. Cùng với việc xây dựng thành phố thông minh, hệ thống camera, cảm biến và các thiết bị IoT sẽ là môi trường lý tưởng cho tội phạm mạng.
Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển Kaspersky Việt Nam, các cuộc tấn công có chủ đích và các mối đe dọa công nghệ cao là những rủi ro nguy hiểm nhất đối với hệ thống của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi các mối đe dọa và công nghệ mà tội phạm mạng sử dụng ngày càng phát triển, thì lại có quá nhiều tổ chức đang dựa vào những công nghệ bảo mật cũ và tư duy lỗi thời để chống lại những mối đe dọa ở hiện tại và trong tương lai.
Bởi vậy, phía Kaspersky khuyến nghị các tổ chức cần chủ động giám sát hệ thống để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự cố; hạn chế truy cập từ mạng bên ngoài nếu thấy không cần thiết hoặc tắt tất cả các dịch vụ mạng trong trường hợp không sử dụng đến thiết bị; thường xuyên cập nhật phần mềm và sử dụng biện pháp bảo vệ toàn diện cho hệ thống và thiết bị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.