Xã hội

Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mìnhĐộng lực nâng tầm chất lượng đội ngũ

Minh Nguyệt 27/03/2025 - 08:51

Chủ trương tinh gọn bộ máy mà Đảng khởi xướng và thực hiện sẽ là động lực thôi thúc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tự đổi mới, tự nâng cấp bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.

hoc-2.jpg
Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý năm 2024. Ảnh: Đỗ Tâm

1. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy gắn với sắp xếp đơn vị hành chính đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận hiện nay. Những chuyển động dứt khoát, dồn dập và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thời gian ngắn vừa qua đem lại niềm tin, sự hứng khởi của người dân về một tương lai đổi mới và phát triển của đất nước.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành các kết luận chỉ đạo triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan Đảng, mặt trận và đoàn thể cũng được tái cơ cấu, tinh gọn, đồng thời nâng cao yêu cầu về chất lượng cán bộ. Đến nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đã được thu gọn còn 17 bộ, ngành; giảm 5 bộ, ngành. Tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm số lượng lớn đầu mối, như giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục. Ở địa phương, 63 tỉnh, thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 1.454 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện... Tới đây, với việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở địa phương (bỏ cấp huyện) gắn với sắp xếp lại đơn vị hành chính, bộ máy hệ thống chính trị các cấp sẽ còn tinh gọn hơn nữa.

Những công việc quan trọng này là bước đầu. Bước tiếp theo là gắn tinh giản biên chế với đánh giá hiệu suất, chất lượng làm việc của cán bộ, công chức để tinh gọn đội ngũ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự quyết liệt và thần tốc của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ ảnh hưởng đến nhiều nhóm nhân sự, với các mức độ khác nhau. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ có thể phải thay đổi nơi làm việc, thậm chí rời chức vụ đang đảm nhiệm. Nhiều công chức, viên chức sẽ phải thích ứng với vị trí mới, nhiệm vụ mới, nơi làm việc mới, thậm chí có thể phải dừng làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Tiến trình của cuộc cách mạng này đang đặt ra thách thức cho cả các cơ quan lãnh đạo, quản lý và đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị.

2. Việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là cắt giảm nhân sự mà quan trọng hơn, đó là một cuộc cách mạng về chất lượng đội ngũ. Những người còn lại trong hệ thống phải là những người giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, thành thạo công nghệ và biết cách làm việc trong môi trường số hóa. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tư duy lại để chuyển từ tư duy có quyền sang tư duy phục vụ. Cán bộ, công chức phải tư duy, mình có nghĩa vụ phục vụ vì chúng ta đang xây dựng nền hành chính phục vụ.

Công nghệ số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi phương thức làm việc. Những công việc hành chính đơn thuần trước đây có thể được tự động hóa. Tuy nhiên, vai trò của con người không hề giảm đi mà còn đòi hỏi sự sáng tạo, phân tích và ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn. Do đó, mỗi cán bộ phải chủ động học hỏi về chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu để phục vụ công việc. Nếu không thay đổi, không chịu học hỏi, cán bộ, công chức, viên chức sẽ tự đào thải mình khỏi guồng máy vận hành ngày càng khắt khe và hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Để xây dựng phẩm chất và nâng cao trình độ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị cần quan tâm tới những phẩm chất, yêu cầu từng được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập cụ thể. Một là có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Hai là có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện. Ba là có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng bộ, ban, ngành, địa phương (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách triệt để thủ tục hành chính...).

3. Đối với các cấp, các ngành, trách nhiệm nâng cấp đội ngũ cũng đặt ra ngày càng cấp thiết. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng cho rằng, với việc xác định đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thông điệp rất mạnh mẽ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện, đề ra những giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng phải trở thành yêu cầu bắt buộc để thích ứng với tình hình thực tiễn thay đổi từng ngày.

Để bảo đảm chất lượng của đội ngũ nhân sự làm việc trong hệ thống chính trị, yêu cầu đặt ra hiện nay và thời gian tới là toàn bộ quy trình công tác cán bộ cần được rà soát, xem xét cẩn trọng và tiến hành đổi mới triệt để đối với tất cả các bước gồm phát hiện, tuyển dụng, đánh giá và đề bạt, bổ nhiệm, tuân thủ yêu cầu “vì việc tìm người”. Nói cách khác, đó là một quy trình công tác cán bộ dựa trên sự thi đua, cạnh tranh sòng phẳng về năng lực và cả phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ. Các quyết định về công tác cán bộ phải đặc biệt coi trọng sự thể hiện trong công việc của mỗi cá nhân, được đo lường thông qua các kết quả, sản phẩm cụ thể.

Hiện nay, sớm nắm bắt yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ. Tại Hà Nội, thành phố đã sớm triển khai hàng loạt chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ diện quy hoạch ở trong nước và nước ngoài. Năm 2024, thành phố đã triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nội dung chuyên đề rất mới: “Kinh nghiệm quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại”; “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực: Nội chính, kinh tế, đô thị, văn hóa xã hội”; “Quản lý, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch Thủ đô”; “Quản lý, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp hiện đại”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức trong kỷ nguyên mới, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; duy trì nghiêm túc đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị trên hệ thống phần mềm, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu các giải pháp lượng hóa khối lượng công việc, đổi mới trong cách thức đánh giá, tăng số lượng đầu mối đánh giá cán bộ... Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị, đưa văn hóa thẩm thấu vào trong các hoạt động chính trị, trong tinh thần, trách nhiệm, thái độ, cung cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn với thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 8-7-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nâng cao hiệu năng, hiệu lực công tác và chất lượng phục vụ nhân dân.

Có thể nói, để nâng cấp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, đòi hỏi nỗ lực của cả cơ quan, tổ chức, địa phương và mỗi cá nhân. Để đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tinh gọn bộ máy; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc đánh giá, sàng lọc và bố trí cán bộ, công chức; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quá trình tinh gọn bộ máy. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm và sức mạnh phấn đấu của toàn dân tộc, trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ vai trò động lực. Nỗ lực tự rèn luyện, nâng cao chất lượng bản thân, làm chủ công nghệ và thích ứng với sự thay đổi không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm, là sứ mệnh của những người đang gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình Động lực nâng tầm chất lượng đội ngũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.