Đúng với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã và đang chuyển động nhanh chóng, lan tỏa mạnh mẽ từ trung ương xuống địa phương.
Tất cả đang hướng tới một mục tiêu nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
1. Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19-2 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Kỳ họp diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
“Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Trước đó, các cơ quan, ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đã đi đầu nêu gương thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” và theo tinh thần “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, quá trình tinh gọn bộ máy đã được đẩy mạnh với phương châm: Không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải làm thực chất, tránh hình thức.
Các ban Đảng Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp đầu mối bên trong, hoàn thành các nhiệm vụ vượt tiến độ yêu cầu theo đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương. Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương đã được thành lập bảo đảm các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quy chế làm việc.
Các ban, bộ, ngành trung ương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc sáp nhập các đơn vị có chức năng tương đồng, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền, cũng như ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, các mô hình mới như "nhất thể hóa" chức danh lãnh đạo, chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính đã giúp giảm bớt tình trạng chồng chéo, quan liêu, nâng cao hiệu suất công việc. Các cơ quan Đảng Trung ương đã giảm 119 đầu mối cấp vụ và dự kiến giảm tiếp thêm một số đầu mối khác. Khối các cơ quan của Quốc hội cũng đã giảm từ 35 vụ, đơn vị xuống chỉ còn 17 vụ, đơn vị. Trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%. Tổ chức bộ máy mới của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giảm một nửa đầu mối, từ 16 xuống còn 8 đầu mối.
Đây mới chỉ là bước đầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Thời gian tới, các cơ quan trung ương sẽ tiếp tục đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
2. Song song với những chuyển động mau chóng ở Trung ương, các địa phương cũng triển khai tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương với tinh thần cách mạng mạnh mẽ.
Những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Lũy kế sau sắp xếp đến nay, thành phố đã giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở, 3 đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, 8 chi cục và 62 đầu mối thuộc chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2.
Thành phố cũng đã thực hiện tinh giản biên chế, theo đó giảm 1.820 công chức, 12.890 biên chế sự nghiệp. Hà Nội còn là địa phương giảm số đơn vị cấp xã nhiều nhất cả nước sau sắp xếp (53 đơn vị). Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Hà Nội tiếp tục gương mẫu triển khai thực hiện bài bản. Đến nay, thành phố đã chấm dứt hoạt động 2 đảng ủy khối, thành lập 2 đảng bộ mới, hợp nhất 2 ban Đảng; đang triển khai các bước để giảm 5 sở, số đầu mối bên trong các sở dự kiến cũng sẽ giảm 15-20%. Đối với 30 quận, huyện, thị xã, theo phương án cũng sẽ giảm tổng cộng khoảng 61 phòng, ban.
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tại địa phương, nổi lên là sự gương mẫu của nhiều cán bộ lãnh đạo, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Tại Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã tự nguyện thôi giữ chức vụ và nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 15-2-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, đây là ví dụ rõ nét về tinh thần nêu gương của người cán bộ, đảng viên, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, nhằm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Qua thống kê bước đầu, thành phố Hải Phòng có 34 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 2 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua tổng hợp sơ bộ, có gần 300 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tự nguyện xin nghỉ công tác, hưởng các chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu có 7 cán bộ, trong đó có 6 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 1 đồng chí là tỉnh ủy viên thôi tham gia công tác, chờ giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định. Tỉnh Bình Dương cũng vừa công bố 6 lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện đã xin nghỉ hưu trước tuổi.
Là người tự nguyện thôi công tác ngay đợt đầu, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận chia sẻ: “Để tổ chức phát triển bền vững cần có sự chuyển giao thế hệ, cần có những người đi trước sẵn sàng lùi lại một bước để tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp tục tiến lên, cống hiến và làm mới tổ chức. Chính vì thế, chúng tôi tự nguyện xin nghỉ vì sự phát triển chung của tổ chức, vì tương lai tươi sáng hơn cho quê hương”.
3. Mặc dù đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quá trình tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thời gian tới sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là tư tưởng e dè, tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, quá trình sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng cũng gặp nhiều vướng mắc về tổ chức, điều hành và cơ chế phối hợp. Một số nơi, việc tinh giản bộ máy mới chỉ dừng lại ở hình thức, chưa đi vào thực chất, dẫn đến tình trạng giảm đầu mối nhưng khối lượng công việc dồn lên một số cá nhân, làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác...
Những thách thức này đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn từ các cấp lãnh đạo, cùng với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt để vừa bảo đảm hiệu quả tinh giản bộ máy, vừa tạo sự đồng thuận, ổn định trong hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.
Để vượt qua những thách thức này, trước hết, cần tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Trung ương sẽ tiếp tục kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá thực tế, có cơ chế kiểm tra định kỳ và chế tài xử lý các đơn vị, địa phương trì hoãn, thực hiện không hiệu quả. Cùng với đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn triển khai; đặc biệt là sớm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản biên chế, bảo đảm quyền lợi chính đáng để tạo sự đồng thuận.
Đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm biên chế, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng hoạt động, đề cao trách nhiệm cá nhân và phát huy hiệu quả trong thực thi công vụ. Để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, cần xác định con người là yếu tố quyết định trong cải cách bộ máy hành chính, từ đó tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành và ứng dụng công nghệ số; sàng lọc, đánh giá đội ngũ cán bộ theo năng lực thực tiễn, kiên quyết loại bỏ những cá nhân yếu kém, trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc...
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã đi những bước khởi đầu quan trọng. Khó khăn phía trước còn rất lớn, nhiệm vụ đặt ra cũng rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm và đồng thuận cao. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải làm từng bước vững chắc, làm đến đâu tốt đến đó, có như vậy mới tạo niềm tin, tiếp thêm động lực cho những bước tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.