(HNM) - Cần làm gì để chủ động nắm bắt cơ hội sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14-6 vừa qua) là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động, người sử dụng và tổ chức đại diện của người lao động. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về nội dung này.
- Theo ông, việc gia nhập Công ước số 98 có tác động thế nào đến mối quan hệ lao động ở nước ta hiện nay?
- Công ước số 98 gồm ba nội dung cơ bản, đó là: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng và thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Theo đó, Việt Nam gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động. Việc tổ chức thương lượng tập thể đạt hiệu quả sẽ giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời để giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo điều kiện cho người lao động có môi trường làm việc tốt nhất.
Ở khía cạnh kinh tế - xã hội, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động; đồng thời thể hiện rõ ràng cam kết chính trị, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế, luôn tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
- Công ước số 98 và những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều hướng tới tiêu chí thương lượng tập thể, trên tinh thần tự nguyện, đi vào thực chất. Vậy, các bên liên quan cần làm gì để thương lượng tập thể đạt hiệu quả cao?
- Trong những năm gần đây, hoạt động thương lượng tập thể ở nước ta có nhiều đổi mới, thu hút khoảng 60% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện và đi đến ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, về chất lượng, nội dung các thỏa ước lao động tập thể khá chung chung, chưa làm rõ mối quan hệ lao động đặc thù ở từng đơn vị, doanh nghiệp, ngành nghề, nên hiệu quả chưa cao.
Để thương lượng tập thể đi vào thực chất, theo tôi, các bên liên quan phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng nguyên tắc thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch. Trong đó, cần hiểu rõ mục đích của thương lượng tập thể là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; xác lập điều kiện lao động mới, làm căn cứ để tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Còn thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động, sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thương lượng tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức thương lượng không thiện chí hoặc không tổ chức thương lượng...
- Ngoài tổ chức công đoàn cơ sở, trong quá trình thực hiện những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể có thể sẽ hình thành tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp. Để tổ chức của người lao động hoạt động đúng hướng, theo ông, các quy định của pháp luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung ra sao?
- Kết quả rà soát của các cơ quan chức năng cho thấy, những quy định của pháp luật hiện hành về quyền tổ chức và thương lượng tập thể có nhiều điểm tương thích với nội dung Công ước số 98 cùng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, trong tương lai, ngoài tổ chức công đoàn cơ sở, người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập tổ chức của họ, thì rõ ràng, một số quy định của pháp luật cần được quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn như quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động gồm những gì; vai trò của Nhà nước và tổ chức đại diện đối với thương lượng tập thể tại doanh nghiệp được thể hiện ra sao; thế nào là hành vi phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng trong quan hệ lao động…
- Ông có khuyến nghị gì dành cho công đoàn cơ sở và người lao động?
- Tôi cho rằng, công đoàn cơ sở cần đổi mới hoạt động, quan tâm nhiều hơn lợi ích của đoàn viên, người lao động; tiếp tục phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu để người lao động hiểu rằng, công đoàn là đại diện tốt nhất cho họ, họ tự nguyện, tự giác tham gia, mà không cần thành lập tổ chức đại diện nào khác.
Đối với người lao động, cần chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; rèn luyện ý thức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định của doanh nghiệp để không bị đào thải. Đặc biệt, người lao động không được lợi dụng việc thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp để hoạt động sai mục đích.
Nếu các bên liên quan cùng cộng đồng trách nhiệm trong quá trình thực thi Công ước số 98 và những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tôi tin rằng, tất cả sẽ cùng hưởng lợi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.