(HNM) - Sau 7 năm đàm phán, dự kiến, chiều nay (30-6), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây được coi là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp và người dân châu Âu cũng như Việt Nam trong thời gian tới.
Dệt may là một trong những ngành có cơ hội bứt phá nhờ EVFTA. |
Trước khi EVFTA được ký kết, EU đã là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 55,7 tỷ USD trong năm 2018. Điểm nổi bật trong cơ cấu xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít đối đầu trực tiếp.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... là rất đáng kể.
Đặc biệt, đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, nay đã có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả hợp lý hơn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định tự do thương mại đã đàm phán cho tới nay.
Cụ thể hơn, trong số 12 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, EVFTA có sự khác biệt rất lớn với những điều khoản giúp Việt Nam có thể cạnh tranh thuận lợi ở một thị trường phát triển như châu Âu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm công, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,30% giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033.
Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Thứ nhất là về bảo đảm quy tắc xuất xứ của hàng hóa. Đây có thể là một cản trở thực sự bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không bảo đảm được quy tắc xuất xứ, hàng hóa Việt Nam sang EU chỉ được hưởng thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Thứ hai là khó khăn trong việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Trên thực tế, đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư EU còn cao hơn yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Về sử dụng lao động, hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại những vướng mắc liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định, quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, quyền được hỗ trợ của lao động nữ tại nơi làm việc và nuôi con nhỏ... Thứ ba, yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ, nhất là quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, đa số ngành hàng nông sản của nước ta vẫn còn một số hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, công tác bảo quản sau thu hoạch chưa tốt... Ngoài ra, sức cạnh tranh khi mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ các nước thuộc EU là rất lớn. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, phương thức tổ chức, vận dụng để giải quyết khó khăn cần có thời gian và chương trình hành động cụ thể.
Chủ động nhận diện và sẵn sàng giải pháp giải quyết những tồn tại, Chính phủ Việt Nam đã và đang đề ra những chính sách nhằm khẳng định quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại. Trong đó, những thời cơ từ EVFTA được xem là cú hích để thúc đẩy quá trình hội nhập của kinh tế đất nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.