(HNMO) - Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2021. Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn có sự tham dự của đại sứ các nước Mỹ Latinh, doanh nghiệp, tập đoàn lớn của các nước Mỹ Latinh; đại sứ Việt Nam tại Argentina, Chile, Cuba và Venezuela, cùng gần 200 đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 8,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,3 tỷ USD.
Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, sản xuất mỳ ăn liền ở Brazil. Đồng thời, tại Việt Nam có 297 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Chile; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Chile, Peru là thành viên. Các hiệp định trên được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các trong khu vực.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng. Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, thu hút khoảng 12-13 tỷ USD đầu tư từ khu vực.
Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, quá trình phục hồi của các nước Mỹ La tinh sau đại dịch là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam là cánh cửa để các nước Mỹ La tinh thâm nhập vào thị trường các nước châu Á.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tạo tăng trưởng cao cho xuất khẩu Việt Nam sang các nước Mỹ Latinh. Song để mở rộng thị phần tại khu vực này, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa. Ngoài ra cần khắc phục những thách thức như chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải dài và chi phí cao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.