(HNMO) - Sáng 3-12, tại Hà Nội, Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Theo quy định, Báo cáo không được viết dài quá 10.700 chữ và gồm 4 phần: Phương pháp soạn thảo; Tổng quan tình hình bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam kể từ lần kiểm điểm đầu tiên (5-2009); Việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế; Những ưu tiên và cam kết trong việc tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam. Báo cáo lần này gồm 85 đề mục, trong đó tập trung trả lời 96/123 khuyến nghị lần kiểm điểm đầu tiên và đưa ra những khuyến nghị mới về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam từ năm 2009 đến nay.
Ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế - Trưởng nhóm soạn thảo cho biết: “Việt Nam sẽ trình bày Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ 2 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 1-2014. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Nhóm công tác liên ngành soạn thảo Báo cáo UPR với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và Quốc hội có liên quan. Nhiều cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu về những lĩnh vực cụ thể đã được thực hiện ở cả trung ương và địa phương nhằm thu thập thông tin xây dựng báo cáo, xác định các nội dung và lĩnh vực ưu tiên cần đề cập, những thách thức và định hướng trong thời gian tới trong việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam”.
“Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành và chia sẻ báo cáo cuối cùng với báo chí, cộng đồng ngoại giao, xã hội dân sự và các đối tác phát triển. Đánh giá của Chính phủ về cách thức Việt Nam thực hiện cụ thể các khuyến nghị và sự phát triển của tình hình nhân quyền là cách hữu ích giúp mọi công dân hiểu hơn về đánh giá của Chính phủ đối với tình hình và thách thức về nhân quyền ở đất nước này. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của cơ chế UPR từ trước đến nay là nó tạo ra một diễn đàn toàn diện dành cho tất cả các bên liên quan để cùng tập trung lại, xác định các điểm mạnh và khoảng trống trong hệ thống bảo vệ nhân quyền, và để cùng nhau đề ra các biện pháp vượt qua những thách thức còn tồn tại” - bà Pratibha Mehta, Điều phối viên UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.