(HNMO) - Ngày 28-9, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa thu năm 2021, trong đó đã đưa ra dự đoán về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Cụ thể, WB đánh giá nền kinh tế nước ta đã phải đối mặt đợt bùng phát dịch nghiêm trọng từ tháng 4, dù có khả năng chống chịu tốt. Trong bối cảnh đó, WB dự báo nếu đợt dịch này được kiểm soát tốt cho phép giãn cách được nới lỏng trong quý IV-2021, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn năm có thể đạt mức 4,8%. Đối với năm 2022, mức tăng trưởng được dự báo lạc quan ở mức 6,5%, nhưng các chuyên gia cảnh báo Việt Nam cần cảnh giác trước nhiều rủi ro đã gia tăng ở mức cao.
Đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB cho rằng quá trình phục hồi của khu vực này đang bị ảnh hưởng do sự lây lan của biến chủng Delta khiến cho những khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình kéo dài, có khả năng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng gia tăng.
Cụ thể, hoạt động kinh tế khu vực bắt đầu bị chững lại trong quý II-2021. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,5%, dự báo tăng trưởng cho các quốc gia khác trong khu vực chỉ ở mức 2,5%, thấp hơn gần 2% so với báo cáo kỳ tháng 4-2021. Tỷ lệ có việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đều giảm và đến 24 triệu người không có khả năng thoát nghèo trong năm 2021.
Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, đẩy nhanh tiêm vắc xin và xét nghiệm để kiểm soát Covid-19 lây lan có thể là cách để những quốc gia đang gặp khó khăn hồi sinh các hoạt động kinh tế từ nửa đầu năm 2022, đồng thời có thể nhân đôi tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo.
Ngoài vấn đề chống dịch Covid-19, báo cáo của WB đã chỉ ra việc gia tăng ứng dụng công nghệ có thể là điểm sáng của khủng hoảng lần này, với khả năng nâng cao năng suất, dân chủ hóa về giáo dục, và cải thiện hoạt động các cơ quan nhà nước tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng khu vực vẫn cần những cải cách tương hỗ. Trong đó, doanh nghiệp cần được trang bị kỹ năng để đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng song song với đó là nhu cầu mở cửa thương mại và đầu tư, kết hợp với những chính sách đẩy mạnh cạnh tranh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới. Triển khai cải cách giáo dục vốn bị trì hoãn nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy và sự phù hợp của chương trình học cũng có thể là cách để đảm bảo mở rộng khả năng tiếp cận lợi ích do công nghệ học tập mới đem lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.