(HNMO) - Ngày 19-8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề "Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) của một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và góp ý cho dự thảo về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái".
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện những công ty đa quốc gia nghiên cứu, phát triển giải pháp bảo vệ thực vật, các công ty cung cấp thiết bị bay không người lái...
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu nhằm giải quyết nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng trên toàn cầu cùng với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Ứng dụng thiết bị bay không người lái có thể giúp nông dân lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc...
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thành tựu của một số quốc gia trên thế giới khi sử dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... góp phần giải quyết áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hóa dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng...
Tại Việt Nam, tiềm năng ứng dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp được đánh giá là rất lớn. Trong năm 2020-2021, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số doanh nghiệp tiến hành một số các mô hình thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái.
Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hội thảo hướng tới ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp; đổi mới tư duy và thay đổi phương thức canh tác theo hướng thông minh và bền vững nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào; giảm tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp tới sức khỏe và môi trường, đồng thời, nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.