Doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng "câu chuyện" thuế quan của Mỹ được giải quyết hợp lý

Bảo Hân (thực hiện) 06/04/2025 - 14:47

Sau cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump đã tiếp thêm sự tự tin với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới.

mac-quoc-anh.jpg
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

- Ông cho biết tâm lý của một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc Hiệp hội trong ngày hôm qua, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam?

- Hiệp hội chúng tôi hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, nông sản, thủ công mỹ nghệ, dệt may, và đồ gỗ nội – ngoại thất. Khoảng 65% doanh nghiệp trong Hiệp hội có xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp sang thị trường Mỹ.

Những doanh nghiệp này đang theo dõi rất sát các tín hiệu về chính sách thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như xu hướng tiêu dùng của thị trường Mỹ.

Tâm lý chung của các doanh nghiệp xuất khẩu được phản ánh qua những cuộc khảo sát nội bộ là sự lo ngại về chính sách phòng vệ thương mại. Hoa Kỳ vẫn là một trong những quốc gia áp dụng khá nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, như chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Khoảng 43% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ lo lắng về nguy cơ tiếp tục bị áp thuế cao, ảnh hưởng đến đơn hàng.

Ngoài ra, các doành nghiệp cũng quan ngại về áp lực chi phí và lạm phát. Kinh tế toàn cầu sau giai đoạn dịch Covid-19 và xung đột địa - chính trị đã kéo theo tình trạng lạm phát, chi phí logistics, nguyên vật liệu tăng lên.

Một xu hướng khác đang khiến các doanh nghiệp quan tâm là yêu cầu về tính minh bạch, tiêu chuẩn ESG và xu hướng “nearshoring” hay “friendshoring” của các tập đoàn đa quốc gia. Khoảng 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết cần đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm, cũng như cung cấp thêm chứng nhận liên quan đến môi trường để giữ chân khách hàng Mỹ.

- Ông nhận định thế nào sau thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump?

- Chình vì những áp lực nêu trên, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận thông tin về cuộc điện đàm với sự thận trọng xen lẫn hy vọng. Họ mong rằng trong cuộc trao đổi, phía Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tháo gỡ rào cản thương mại, và tạo ra hành lang thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục phát triển mạnh mẽ.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ bao gồm dệt may, da giầy, đồ gỗ, thiết bị điện tử, linh kiện, nông sản… Về phía nhập khẩu, Việt Nam tập trung nhập các sản phẩm công nghệ cao, linh kiện điện tử, máy móc, và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ sự tương tác chính trị cấp cao nào giữa hai quốc gia, đặc biệt cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều mang ý nghĩa biểu tượng và thực tiễn quan trọng.

Về mặt đối ngoại, cuộc điện đàm này thể hiện thiện chí gắn kết giữa hai chính phủ, mở đường cho những thỏa thuận hợp tác kinh tế, an ninh và đối thoại chiến lược. Còn với cộng đồng doanh nghiệp, những tín hiệu tích cực hay tiêu cực xuất hiện từ những cuộc trao đổi cấp cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Theo thông tin bước đầu, cuộc điện đàm được đánh giá là thành công trên phương diện “đối thoại cởi mở”. Từ quan điểm của Hiệp hội, điều này mang lại kỳ vọng tích cực, giúp duy trì đà phát triển thương mại song phương, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới.

- Hiệp hội có những kiến nghị gì để tiếp tục giải quyết vấn đề áp thuế của Hoa Kỳ cũng như tháo gỡ các khó khăn khác cho doanh nghiệp?

- Từ nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn Nhà nước thành lập các tổ công tác liên ngành để đàm phán, trao đổi trực tiếp với phía Mỹ khi xuất hiện vấn đề liên quan đến thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, và các biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia, cung cấp dữ liệu để hỗ trợ quá trình đàm phán.

Hiệp hội mong muốn được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Hiện có nhiều rào cản kỹ thuật, ví dụ chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng chỉ bền vững rừng FSC đối với gỗ, chứng nhận WRAP đối với dệt may… đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình khắt khe.

Hiệp hội kiến nghị các bộ, ngành và các tổ chức tài chính xem xét chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi, hoặc tổ chức các chương trình đào tạo và tư vấn chuyên sâu. Việc này giúp doanh nghiệp nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng, giảm rủi ro bị trả hàng hay bị áp đặt thuế bổ sung.

Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng quản lý kho bãi, sản xuất, truy xuất nguồn gốc… bằng công nghệ số là vô cùng quan trọng. Nếu doanh nghiệp chứng minh được tính minh bạch, tốc độ đáp ứng nhanh, chất lượng ổn định, họ sẽ có vị thế cao hơn trước nhà nhập khẩu Mỹ. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, mời chuyên gia Mỹ tư vấn và chuyển giao công nghệ.

Cũng cần khẳng định, dù Hoa Kỳ là thị trường chủ lực, doanh nghiệp vẫn cần có kế hoạch mở rộng sang thị trường khu vực khác tại châu Âu, châu Á, Trung Đông… để tránh lệ thuộc quá mức. Muốn vậy, Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm, giao thương B2B, giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm đối tác quốc tế, từ đó san sẻ rủi ro khi một thị trường có biến động.

Phía Hiệp hội cũng mong muốn được tạo kênh đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp - Nhà nước - đối tác Mỹ. Việc thiết lập các diễn đàn đối thoại định kỳ (hằng quý hoặc 6 tháng) với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tập đoàn nhập khẩu lớn và lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin kịp thời, đồng thời phản ánh khó khăn trực tiếp. Hiệp hội sẵn sàng đứng ra làm cầu nối, góp phần đảm bảo lợi ích cho cả hai phía.

-Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng "câu chuyện" thuế quan của Mỹ được giải quyết hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.