(HNMO) - Chiều 10-10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống mù lòa (Bộ Y tế), Bệnh viện Mắt trung ương, Hội Nhãn khoa Việt Nam và Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới (10-10) năm 2019 với chủ đề “Hãy ưu tiên chăm sóc cho đôi mắt của bạn”. Đây là năm thứ 17 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới.
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn. Riêng tại Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Trong đó, trên 80% tỷ lệ người mù có thể phòng, chữa được. Tuy nhiên, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị. Qua các điều tra cho thấy, đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây mù (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh glôcôm, tật khúc xạ...
PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, là gánh nặng xã hội... Thời gian qua, nhờ công tác vận động, tuyên truyền mà phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đã tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 có 77 ca hiến tặng giác mạc, đến năm 2018 tăng lên 109 ca hiến tặng và trong 9 tháng của năm 2019 có 111 ca hiến tặng. Dù vậy, lượng giác mạc hiến tặng quá ít so với lượng người bị các bệnh lý về giác mạc chờ được ghép.
Ước tính, hiện nước ta có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt trung ương danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên đến hàng nghìn người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.