Xã hội

Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh

Thu Trang 11/07/2024 - 14:53

Đó là thông tin được đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7 và 30 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 11-7 tại Hà Nội.

bo-truong-bo-y-te-ngay-11-7.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Tuấn Dũng

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay. Nhờ đó đã góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, nhất là vùng khó khăn có mức sinh cao.

Cùng với đó, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 và cũng vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.

Đặc biệt, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

quang-canh-dan-so.jpg
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Thu Trang

Người đứng đầu ngành Y tế cũng cho rằng, dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Phân bố dân cư hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Dù vậy, nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Thêm vào đó, tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già. Trong khi đó, những lợi thế của cơ cấu dân số vàng mang lại chưa được khai thác tốt. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng...”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu vấn đề.

“Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh ở vùng mức sinh thấp và thích ứng với già hóa dân số, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư. Do vậy, chúng tôi rất mong cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ suốt thời gian qua nhưng có nguy cơ không duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, do xu thế mức sinh xuống thấp.

“Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đã làm mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử. Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”, ông Lê Thanh Dũng dẫn chứng.

Đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong công tác dân số, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Điều này sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2029.

Tuy nhiên, dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049. Sự chuyển đổi nhân khẩu học từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ gây ra những tác động đa chiều ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

“Điều này có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những thay đổi về nhân khẩu học và già hóa dân số. Các giải pháp có thể bao gồm việc gia tăng sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, cũng như đầu tư vào y tế và giáo dục”, bà Pauline Tamesis lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.