Xã hội

Việt Nam đối diện nguy cơ tỷ lệ tăng dân số âm

Thu Trang 26/12/2023 - 16:29

Thông tin đưa ra tại lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12); hội nghị tổng kết công tác dân số 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 26-12 cho thấy, giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng tốc độ tại Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét.

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ).

cac-dai-bieu-tham-du-le-mit-tinh.jpg
Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng tốc độ ở Việt Nam nhanh hơn thế giới và ngày càng rõ nét. Theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số (Bộ Y tế), trong 3 năm qua, mức sinh trung bình của 21 tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố có xu hướng tiếp tục giảm sâu như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.

“Năm 2023, mức sinh của thành phố Hồ Chí Minh là 1,27 con/phụ nữ, rất thấp; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con/phụ nữ”, ông Mai Trung Sơn nói.

Hiện chỉ còn 4 tỉnh, thành phố trong nhóm 9 địa phương đạt mức sinh thay thế trong năm 2020 giữ vững kết quả, gồm: Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.

Đề cập đến nguyên nhân trên, ông Nguyễn Hồng Quân, đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Số cặp vợ chồng trẻ tuổi có xu hướng chậm sinh con hoặc chỉ sinh một con; xu hướng kết hôn muộn trở nên phổ biến… Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.

Các chuyên gia dân số cũng cho rằng, nếu để mức sinh “tụt” quá thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước, như: Suy giảm quy mô dân số; thiếu hụt lực lượng lao động; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư...

Do đó, theo đại diện Cục Dân số, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Đồng thời, từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con…

Ngày 26-12, UBND quận Ba Đình tổ chức kỷ niệm 62 năm Ngày Dân số Việt Nam và tổng kết công tác dân số và phát triển năm 2023, phát động thi đua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Ba Đình có tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,1%, kiểm soát được quy mô dân số và từ đó đến nay đang duy trì mức sinh thay thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đối diện nguy cơ tỷ lệ tăng dân số âm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.