Y tế

Dân số Thủ đô đứng trước những khó khăn, bất cập mới

Thu Trang (thực hiện) 11/07/2024 - 11:11

Với mật độ dân cư cao gấp hơn 8 lần mức trung bình cả nước, tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhân Ngày Dân số thế giới (11-7) với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.

dan-so-1.jpg
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Thu Trang

- Xin ông cho biết, những kết quả mà ngành Dân số Thủ đô đã đạt được trong việc thực hiện chính sách dân số thời gian qua?

- Trong những năm qua, với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội dành cho công tác dân số, cùng sự phấn đấu tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này, công tác dân số của thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Nhiều đề án, kế hoạch được ban hành và triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã, 579 xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt, như: Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đều tăng so với trước; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh liên tục giảm.

Tính đến hết tháng 6-2024, số con sinh thứ ba trở lên là 2.950 trẻ (đạt 6,6%), giảm 155 trẻ so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ là 68% (tăng hơn 10%); tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 79% (tăng 18,6%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 82% (tăng 5%)… Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số vẫn đứng trước những khó khăn, bất cập mới.

dan-so-2.jpg
Huyện Đông Anh mít tinh, diễu hành tuyên truyền công tác dân số. Ảnh: Thu Trang

- Vậy, những khó khăn, bất cập mới mà công tác dân số Thủ đô đang phải đối mặt đó là gì, thưa ông?

-Với đặc thù là thành phố đông dân thứ hai của cả nước, mật độ dân cư cao gấp hơn 8 lần mức trung bình cả nước; tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao tạo ra những áp lực không nhỏ cho công tác dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cán bộ dân số phải phụ trách những địa bàn rộng lớn, số lượng dân cư lớn.

Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con, nhất là thích có con trai dẫn đến việc tỷ số giới tính khi sinh của thành phố dù có giảm nhưng không bền vững và vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, trong năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố là 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái (trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105 trẻ trai/100 trẻ gái). Đến 6 tháng đầu năm nay tăng lên 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023).

Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh kéo theo tình trạng già hóa dân số cũng đang là một thách thức lớn của Hà Nội, đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp, nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

- Như ông vừa đề cập, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, có xu hướng giảm nhưng không bền vững. Vậy, vấn đề này có ảnh hưởng gì đến mục tiêu công tác dân số nói chung?

- Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều biện pháp và hoạt động nhằm cải thiện tỷ số giới tính khi sinh, trong đó có việc triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, tập trung kiểm tra, giám sát đối với những địa bàn có tỷ số giới tính khi sinh cao. Trong 6 tháng qua, Chi cục Dân số đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với hai cơ sở có hành vi đăng thông tin tuyên truyền, phổ biến, tư vấn để có được giới tính thai nhi theo ý muốn không đúng theo quy định.

Nếu không được khắc phục, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số và phát triển bền vững của đất nước.

dan-so-3.jpg
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền công tác dân số đến người dân. Ảnh: Dương Ngọc

- Để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, giữ vững thành quả dân số mà Hà Nội đã đạt được, theo ông cần phải có những hành động cụ thể như thế nào?

- Để bảo đảm công tác dân số và phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục tập trung vào 5 giải pháp cụ thể sau:

Một là tiếp tục triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.

Hai là nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

Ba là đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.

Bốn là bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.

Năm là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp; tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân số Thủ đô đứng trước những khó khăn, bất cập mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.