(HNM) - Vài năm trở lại đây, trào lưu viết tự truyện, hồi ký nở rộ và chiếm vị trí nhất định trong đời sống văn học. Nhiều cuốn sách ở thể loại này trở thành hiện tượng xuất bản có số lượng phát hành đáng mơ ước với người cầm bút, song cũng có cuốn sách nhạt nhòa, chỉ nhằm “đánh bóng” tên tuổi. Theo giới phê bình văn học, hồi ký, tự truyện muốn trở thành những tác phẩm văn học có giá trị bền lâu phải có sự cộng hưởng với đời sống.
Sức sống mới trong văn chương
Cuốn hồi ức tập thể “Tuổi thanh xuân còn mãi” của 48 tác giả cựu lưu học sinh những năm 1980 tại các nước Đông Âu, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, là một trong những cuốn sách tiêu biểu được giới thiệu và thu hút độc giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020. Những câu chuyện chân thực, sống động được kể bằng ngòi bút thông minh, hóm hỉnh, lãng mạn và không kém phần sâu sắc, giúp người đọc cảm nhận về một thế hệ người Việt mang đầy hoài bão vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Cũng qua đây, cuộc sống tại các nước Đông Âu - nơi đã đào tạo nhiều người con ưu tú cho đất nước, hiện lên đầy đủ, rõ nét. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cuốn sách giúp đánh thức tiềm năng sáng tạo và những kỷ niệm của người viết, rồi kỷ niệm đó lại thôi thúc những người đã từng ở nơi này viết tiếp, tạo nên những mạch nguồn ký ức đẹp đẽ, nhân văn.
Cũng là những hồi ức về một thời đã xa, cuốn truyện ký “Những thước phim trong suốt” của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, gây bất ngờ cho giới văn nghệ nước nhà, bởi những trang viết tài hoa. Cả một đời gắn bó với chiếc máy quay, tạo nên những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như “Thương nhớ đồng quê”, “Thị xã trong tầm tay”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Hoa ban đỏ”…, ở tuổi ngoài 70, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn mới viết cuốn sách đầu tiên kể lại cuộc đời mình. Bạn đọc chứng kiến hành trình mà ông đã trải qua từ khi học nghề hóa chất, rồi chuyển sang học quay phim, thực hiện những bộ phim ghi dấu ấn và cảm nhận những trăn trở của người làm nghề nghiêm túc. Qua ngòi bút nhẹ nhàng, lắng đọng, tác giả đã tái hiện đời sống điện ảnh cách mạng Việt Nam với những con người đam mê, nhiệt huyết.
Trước đó, những cuốn sách thuộc thể loại này: “Quân khu Nam Đồng” (Bình Ca), “Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn), “Chuyện lính Tây Nam” (Trung Sỹ), “Hồi ức lính” (Vũ Công Chiến)… đã tạo tiếng vang trong đời sống văn học. Nhiều cuốn hồi ký, tự truyện của người nổi tiếng được viết sâu sắc, đáng đọc, như “Hồi ký Trần Văn Khê”, “Tâm thành và lộc đời” (Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc)...
Theo nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ (Báo Nhân Dân), chủ biên và đồng tác giả cuốn “Tuổi thanh xuân còn mãi”, viết hồi ký, tự truyện hiện nay được thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể là hồi ức, tự sự của một cá nhân hoặc một tập thể về một giai đoạn hoặc cả cuộc đời; có thể là những trang nhật ký, truyện ký về những sự kiện, câu chuyện mình đã trải qua, chứng kiến.
Còn theo nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá, hồi ký, tự truyện với tính chân thực tận cùng, bù đắp cho những trang văn chương hư cấu đang dần trở nên nhàm chán với người đọc.
Tuy phát triển mạnh, song chất lượng sách hồi ký, tự truyện không đồng đều. Một số cuốn tự truyện của nghệ sĩ, ca sĩ trẻ ra mắt gần đây có lượng phát hành lớn, nhưng thiếu chiều sâu, thiên về kể chuyện đời tư, đôi khi gây ồn ào trong dư luận...
Từ một cây nhìn thấy cả đại ngàn
Hồi ký, tự truyện là thể loại văn chương đặc thù, được xây dựng từ những ký ức thực của một hoặc một nhóm tác giả. Song, để kết nối những ký ức rất riêng đó đến không gian chung với hàng nghìn người đọc là thách thức đối với mỗi người viết.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, một cuốn hồi ký, tự truyện hấp dẫn phải chạm vào vấn đề chung mà độc giả ngày nay quan tâm, muốn tìm hiểu một cách chân thực. Có thể người viết không phải nhà văn chuyên nghiệp, nhưng những ký ức mang lại thông tin và cảm xúc, tái hiện một phần lịch sử, sẽ thuyết phục người đọc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, từ thành công của cuốn “Tuổi thanh xuân còn mãi”, các tác giả nên triển khai những tập tiếp theo, đồng thời nâng cao tính văn học trong từng bài viết...
Đồng tác giả cuốn “Tuổi thanh xuân còn mãi” Nguyễn Hy Hoài Nam chia sẻ, dù hồi ký, tự truyện là kể câu chuyện của mình, nhưng qua đó phải gửi gắm hoài bão, lý tưởng của cả một thế hệ hoặc thời kỳ mới được coi là thể loại văn học thực sự. Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình Ngô Văn Giá nhấn mạnh, hồi ký, tự truyện là thể loại bộc lộ cá nhân rõ nét, song nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ thất bại. Một tác phẩm muốn thành công, có sức sống lâu dài phải thể hiện được mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, cộng hưởng với đời sống, khiến người đọc nghĩ ngợi về cuộc sống của họ, thu lượm được những giá trị xã hội, văn hóa, lịch sử, từ đó có chuyển biến tích cực, sống tốt hơn, nhân ái hơn. Chính vì thế, đòi hỏi người viết hồi ký, tự truyện phải viết vì cộng đồng, hướng đến những giá trị tốt đẹp. Còn nếu thực hiện với mục đích “đánh bóng” tên tuổi, cuốn sách sẽ “sớm nở, tối tàn”, không được độc giả quan tâm.
Nhà thơ Trần Hữu Việt ví von: “Viết hồi ký, tự truyện làm sao khiến người đọc từ giọt nước nhìn thấy đại dương mênh mông, từ một cây nhìn thấy cả đại ngàn, thì mới thành công”. Đây cũng là “kim chỉ nam” cho các tác giả bước vào thể loại này, nhằm tạo nên những dấu ấn lớn hơn trên văn đàn nước nhà trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.